Các bậc phụ huynh nên bỏ ngoài tai lời khuyên rằng không nên kèm con học ở nhà, hãy nhìn vào sức nặng của chương trình mới. Nếu cha mẹ không giúp thầy cô kèm con học, con sẽ khó theo kịp chương trình.
Bên cạnh những giáo viên tiểu học khuyên phụ huynh không nên kèm con làm bài tập về nhà, một số giáo viên khác lại cho rằng, chương trình mới khó hơn chương trình cũ nhiều, muốn con học tốt, phụ huynh buộc phải chung tay với giáo viên dạy con học.
Ngày dạy học sinh, tối "dạy" phụ huynh các em
8 giờ tối, cô Ngô Mai Hoa - Giáo viên tiểu học tại Hà Nội đang ăn dở bữa cơm với gia đình thì chuông điện thoại. Cô vội đặt bát đũa xuống, nhấc điện thoại lên nghe và đi thẳng lên phòng làm việc. Trước đó, chuông điện thoại đã kêu cả chục lần. Một lúc sau, cô Hoa gọi với xuống nhờ con gái dọn dẹp mâm cơm giúp mẹ.
"Tối nào cũng vậy, nhà tôi ăn cơm trong những tiếng chuông điện thoại. Phụ huynh gọi đến nhờ cô hướng dẫn bài cho con. Tôi nhiều lần phải đặt điện thoại ở chế độ rung để ăn cho xong bữa. Tuy vất vả nhưng phụ huynh và giáo viên phải phối hợp như vậy mới giúp các con học tốt được", cô Hoa nói.
Cô Hoa cho biết, trước kia, không nhiều phụ huynh phải gọi điện hỏi bài để dạy cho con. Từ ngày dạy chương trình mới, lượng kiến thức "nặng" và khó hơn, tối nào cô cũng giải đáp bài tập cho hàng chục phụ huynh. Khó nhất là dạy họ cách giảng giải cho con hiểu bài, giải đúng phương pháp.
Mẹ nỗ lực dạy con tập viết tại nhà (Ảnh minh họa: Hoài Linh).
Theo cô Hoa, với chương trình lớp 1 mới, môn tiếng Việt nặng nhất, tiến độ được đẩy nhanh làm khó cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Ở chương trình cũ, phần học âm, học vần được dàn trải đều, đến tiết 25 các em mới phải tập đọc. Bài tập đọc là câu ngắn, dễ hiểu. Còn ở chương trình mới, tiết 19 các em đã phải tập đọc những câu dài song song với học vần. Có bài tập đọc yêu cầu học sinh học tới 3 vần và đoạn văn ngắn gồm 2 câu phức, các em không thể nhớ hết.
Thời gian ở trên lớp không đủ cho các em nắm bắt và ôn tập hết những kiến thức mà cô truyền tải. Mỗi học sinh có khả năng tiếp thu khác nhau. Mặc dù các em có buổi luyện tập, nhưng giáo viên vẫn cần phụ huynh kèm con ôn tập thêm ở nhà.
"Trước kia, tôi ít khi phải nhắc cha mẹ kèm con học vì tôi sợ họ sẽ vô tình tạo thêm áp lực học hành cho con. Nhưng bây giờ, thấy em nào có biểu hiện đuối là tôi phải giao thêm bài tập về nhà, yêu cầu phụ huynh hướng dẫn con làm bài.
Trên lớp, tôi phải đọc và phân tích đề bài rất kỹ, các em mới hiểu được. Vì vậy, việc phụ huynh "khủng bố" điện thoại của cô vào mỗi buổi tối là dễ hiểu, tôi chấp nhận mất công hướng dẫn họ cách dạy con học. Nhiều hôm, tôi luôn tay, luôn miệng giải đáp thắc mắc của phụ huynh từ trong nhóm chat đến cuộc gọi, nửa đêm mới được nghỉ ngơi", cô Hoa nói.
Nhiều giáo viên sẵn sàng làm việc thêm giờ để giúp phụ huynh kèm con học (Ảnh minh họa: Hoài Linh).
Cô Hoa cho biết, có một số phụ huynh vì bận công việc nên không có thời gian dạy con học. Kết quả là đến nội dung tập đọc, con họ "ấp úng" hẳn so với các bạn khác được bố mẹ quan tâm. Cô phải mời những phụ huynh đó đến trao đổi, yêu cầu họ bớt công việc để dành thời gian cho con.
Với học sinh lớp 1, cô Hoa ưu tiên giao bài tập tiếng Việt nhiều hơn các môn học khác. Bài tập về nhà chủ yếu là tập đọc với những vần mà các em đã học trên lớp. Cuối tuần, cô giao phụ huynh kèm con ôn lại tất cả những vần đã được học.
"Nhờ sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh, hết học kỳ 1, đa số học sinh của tôi có thể đọc thông, tính toán nhanh. Em nào nhanh nhẹn thì chỉ cần hoàn thành bài tập cô giao về nhà mỗi ngày, còn một số em nhận thức chậm hơn, cô khuyến khích bố mẹ chủ động giao thêm bài cho con", cô Hoa cho biết.
Phụ huynh đừng giao hết việc dạy con học cho giáo viên
Đồng quan điểm với cô Hoa, cô Ninh Thị Hà - Giáo viên tiểu học tại Nam Định cũng cho rằng, với chương trình mới, phụ huynh buộc phải kèm con làm bài tập về nhà, đừng quan niệm rằng con chỉ cần học ở trường là đủ rồi giao hết cho giáo viên.
"Các bậc phụ huynh cần bỏ ngoài tai mọi lời khuyên của chuyên gia rằng không nên kèm con học ở nhà, hãy nhìn vào sức nặng của chương trình mới. Nếu cha mẹ không giúp thầy cô kèm con học, con sẽ khó theo kịp chương trình", cô Hà khẳng định.
Theo cô Hà, việc bố mẹ kèm con học bài mỗi buổi tối vừa giúp con củng cố kiến thức, vừa là điểm tựa tinh thần cho con. Khi đó, giáo viên sẵn sàng làm chỗ dựa cho các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc dạy con học.
Phụ huynh đừng giao hết việc dạy con học cho giáo viên (Ảnh minh họa: Ngọc Linh).
Cô Hà ví dụ, ở chương trình lớp 3, thời điểm dạy đến phần tập làm văn là lúc nhiều phụ huynh "cầu cứu" cô nhất. Để viết tốt một bài văn, học sinh phải có hiểu biết, vốn từ vựng phong phú và biết cách dùng từ. Nội dung này có vẻ quá sức với học sinh lớp 3. Thời gian luyện tập trên lớp không đủ để giáo viên uốn nắn câu chữ cho từng học sinh. Vì vậy, mỗi phụ huynh phải kèm con viết thật nhiều.
Cô cho biết, phụ huynh có thể tự dạy con đọc hiểu nhưng đến tập làm văn thì ai cũng kêu khó. Vừa qua, cô phải dành 2 buổi tối mở lớp trực tuyến để dạy phụ huynh tập làm văn. Buổi học miễn phí, cô động viên tất cả phụ huynh lớp cô chủ nhiệm tham gia. Mục đích là giúp họ nắm được những kiến thức cơ bản để tự dạy con tập làm văn ở nhà.
Cô Hà dạy họ cách xác định ý chính của bài văn, hướng dẫn con quan sát tranh ảnh hoặc đồ vật liên quan đến đề bài và phát biểu về chúng. Cô còn dạy họ tham khảo văn mẫu, tránh tuyệt đối việc đọc văn mẫu cho con chép.
"Phần này bản chất không khó nhưng các con phải hiểu biết và luyện tập nhiều mới thành thạo được. Vì vậy, vai trò của bố mẹ không chỉ là dạy con viết câu chữ mà còn phải dạy con quan sát những sự vật, sự việc ở mọi nơi, mọi lúc. Đó mới chỉ là tập làm văn, còn rất nhiều kiến thức khác mà giáo viên cần phụ huynh chung tay dạy con", cô Hà nói.
Trả lời những ý kiến cho rằng giáo viên khó đánh giá học sinh thông qua bài tập về nhà vì các em đã được bố mẹ hỗ trợ, cô Hà cho biết, bài tập về nhà không phải nội dung duy nhất để đánh giá học sinh. Mỗi buổi chiều, cô sẽ cho các em ôn tập kiến thức đã học bằng đề bài tổng hợp và chấm điểm ngay trên lớp. Qua đó, cô sẽ biết học sinh yếu ở phần nào để bồi dưỡng thêm, đồng thời nhờ phụ huynh kèm con tại nhà.
Theo cô Hà, mỗi buổi tối, bố mẹ chỉ cần dành khoảng 1 tiếng để cùng con học bài. Quan trọng nhất là phụ huynh tạo cho con thói quen tự ngồi vào bàn học, giải lao đúng giờ. Hướng dẫn con sắp xếp thứ tự bài tập ưu tiên. Bố mẹ chỉ giúp con trong trường hợp bài khó, con không thể tự giải quyết.
Cô Hà khuyến cáo phụ huynh chỉ nên kèm con làm bài tập về nhà, không nên dạy trước chương trình. Trong thời gian rảnh, bố mẹ có thể cho con chơi các trò chơi ô chữ, làm toán đố hay vẽ tranh, tô màu để luyện các kỹ năng phản xạ, ghi nhớ, tập trung.
"Ngoài ra, phụ huynh cũng phải làm gương cho con. Ví dụ, bố mẹ có thể đọc sách, học tiếng Anh để con nhìn vào mà học theo. Nhiều khi bố mẹ trách con lười học, ham chơi game nhưng chính mình lại suốt ngày lướt mạng xã hội trước mặt con", cô Hà nói.
Quang Trường/dantri.com.vn