Gen Z với nghệ thuật hàn lâm ở nước ngoài

Chủ nhật, 11.12.2022 | 15:28:52
613 lượt xem

Với các bạn trẻ là du học sinh hay đi làm ở hải ngoại, ngoài việc cân bằng cuộc sống thì học hỏi thêm về văn hóa và nghệ thuật nước sở tại cũng là ưu tiên

Ngày càng nhiều người quan tâm nghệ thuật hàn lâm, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chính nghệ thuật hàn lâm cũng góp phần nâng cao trình độ thưởng thức, hòa nhịp tâm hồn cho cộng đồng, đề cao giá trị nhân văn, mang lại khả năng hội nhập quốc tế cao.

Nghệ thuật gần gũi với cuộc sống

Mọi người liên tưởng đến nghệ thuật hàn lâm qua những loại hình như giao hưởng, thính phòng, Ballet, Opera, Broadway… Phí Thị Thu Hằng (hiện sống ở Tilburg, Hà Lan) đang theo học thạc sĩ chuyên ngành văn học thiếu nhi, kể: "Nghệ thuật hàn lâm tại những nơi tôi từng qua (Anh, Đan Mạch, hay Hà Lan) dường như không có ranh giới, không có khoảng cách với công chúng. Nghệ thuật gọi mời, gợi mở thiện lương và dành cho mọi người, cho ai yêu cái đẹp".

Gen Z với nghệ thuật hàn lâm ở nước ngoài - Ảnh 1.

Với tác giả, ngay cả khi học và làm những lĩnh vực khác thì trải nghiệm và kiến thức nghệ thuật vẫn hữu ích cho giới trẻ

Dù Hằng đã nuôi dưỡng niềm say mê nhạc thính phòng và cổ điển ở quê nhà song trải nghiệm với âm nhạc hàn lâm ở nước ngoài vẫn rất đáng nhớ. Hằng thích xem nhạc thính phòng trên Đài Truyền hình Hà Nội từ 9-10 tuổi và giữ thói quen này đến tận cấp 3. Cuối tuần, khi em trai Hằng đi học về, cả hai háo hức nghe nhạc Baroque. Hằng kể: "Nhà tôi khi đó ở vùng đồi núi, internet chưa có. Khoảng năm 2010, được nghe nhạc Baroque là điều mới mẻ, hấp dẫn." Sau này, lên Hà Nội học, cô được tham dự hòa nhạc ở nhà thờ Lớn, nhà thờ Cửa Bắc. Đắm chìm trong âm nhạc, cô như lạc vào thế giới thần tiên tươi đẹp, sống động!

Khi đặt chân đến châu Âu, Hằng thỏa nguyện việc nghe nhạc cổ điển thường xuyên: "Ở Glasgow, hay Edinburgh (Scotland), dễ bắt gặp các "gánh hát rong" - nghệ sĩ chơi nhạc giữa đường phố. Trên các con phố cổ kính, tấp nập, bên các kiến trúc xưa, những nghệ sĩ cần mẫn làm đẹp cho đời bằng âm nhạc. Tôi dừng thật lâu, nghe từng thanh âm đẹp". Lần khác, trên sân ga Liverpool Street, Hằng nán lại nghe người ta chơi nhạc giữa dòng người hối hả. Ở ga Euston (London, Anh), hay ở Tilburg (Hà Lan), có sẵn đàn piano, những giai điệu du dương được cất lên thường xuyên. Khi qua Đan Mạch học, Hằng có cơ duyên tham gia các buổi diễn ở thư viện trung tâm TP Aarhus hoặc trung tâm nghệ thuật.

Với Juliet Nguyễn (Melbourne, Úc), từ khi ra nước ngoài, hằng năm, cô đều đi xem các vở kịch nổi tiếng được lưu diễn. Theo Juliet: "Nghệ thuật vốn dĩ là liều thuốc tinh thần cho cuộc sống và nghệ thuật hàn lâm bây giờ không còn quá xa lạ. Gen Z và gen Y tiến gần nghệ thuật hàn lâm so với các thế hệ trước một cách cởi mở và thấu cảm nhanh. Nghệ thuật hàn lâm cũng được hiện đại hoá, trở nên gần gũi. Công chúng nhận ra các tác phẩm được đầu tư dày công, bài bản và trân trọng nỗ lực của nghệ sĩ. Càng nhiều người yêu mến nghệ thuật chân chính là lúc ta biết được xã hội phát triển tốt như thế nào". Theo Juliet Nguyễn, nghệ thuật hàn lâm phát triển góp phần giúp giới trẻ nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật, giảm mô hình giải trí không tốt.

Làm giàu vốn sống

Âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác ở mỗi quốc gia và nền văn hóa được biểu hiện dưới những góc nhìn đa dạng. Để hiểu thêm lịch sử lập quốc của Mỹ, người viết đã đón xem vở "Hamiltonngay" tại thủ đô Washington DC và tham quan những di tích liên quan thời kỳ này. Nhạc kịch Broadway là thể loại âm nhạc chỉ mới xuất hiện từ giữa thế kỷ XIX tại Mỹ và Anh, sau đó lan tỏa khắp thế giới với những trung tâm nghệ thuật lớn như London, New York và Washington DC. "The Lion King", "Chicago" hoặc "The Phantom of the Opera" là những vở khó bỏ qua khi muốn tìm hiểu nhạc kịch.

Thế giới nghệ thuật muôn màu muôn vẻ luôn chào đón những tâm hồn đồng điệu đến từ bất kỳ nền văn hóa hay ngôn ngữ nào. Tuy vậy, muốn thưởng thức trọn vẹn tác phẩm cũng như các hình thức biểu diễn khác nhau thì nên có kiến thức nền về văn hóa - nghệ thuật - lịch sử thế giới. Ở các quốc gia phát triển, nền giáo dục chú trọng tạo điều kiện để người học tiếp cận nghệ thuật cơ bản từ sớm, giúp tăng khả năng cảm nhận và sự nhạy cảm trong giao tiếp xã hội.

Một môn nghệ thuật xuất xứ từ Ý và phổ biến ở phương Tây là múa ba lê, mọi người dễ dàng đăng ký khóa học trong trường. "The Nutcracker" ("Kẹp hạt dẻ") và Swan Lake ("Hồ thiên nga") là các vở kinh điển được diễn suốt ở Âu, Mỹ. Nhà hát quốc gia và nhà hát lớn ở địa phương có các sự kiện giao lưu và quảng bá văn hóa đồng thời phát hành vé miễn phí. Trước khi xem các vở lớn, có thể đọc sách, xem tài liệu, phim ảnh liên quan để hiểu thêm ý nghĩa, lịch sử ra đời tác phẩm.

Phụ huynh các nước phương Tây còn hay dẫn con cái tham quan bảo tàng. Bảo tàng Louvre (Pháp), British Museum (Vương quốc Anh), National Gallery of Art (Mỹ), Vatican Museums là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về nền nghệ thuật thế giới từ cổ đại đến đương đại. Bên cạnh hệ thống bảo tàng cấp quốc gia còn có hệ thống bảo tàng tư nhân và bảo tàng của các trường đại học. Princeton University Art Museum (Mỹ) nổi tiếng có các bộ sưu tập do cựu sinh viên và nhân viên hiến tặng. Những câu chuyện lịch sử gắn với hiện vật không chỉ làm phong phú vốn kiến thức mà còn là nơi con người tìm về nguồn cội chính mình.

Từ sự trải nghiệm thú vị, nhiều bạn trẻ có mong muốn chung tay đưa những tác phẩm kinh điển hoặc có yếu tố Việt Nam với ngôn ngữ nghệ thuật hàn lâm đến gần khán giả trong và ngoài nước nhiều hơn.


Nguyễn Thị Ngân Hà/nld.com.vn

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gen-z-voi-nghe-thuat-han-lam-o-nuoc-ngoai-20221210192125077.htm 

  • Từ khóa