Chồng tôi là một người có địa vị trong xã hội, được nhiều người biết đến, chính vì vậy mà ở trường học, các con cũng được ưu ái hơn các bạn khác.
Trái ngược với nhiều gia đình, phụ huynh phải chuyển trường cho con vì không muốn phải lo chuyện chăm sóc thầy cô; hay sợ con bị ép phải học thêm quá nhiều… tôi quyết định chuyển 2 con sang trường tư để các con được đối xử công bằng như các học sinh khác.
Chồng tôi là một người có địa vị trong xã hội, được nhiều người biết đến, chính vì vậy mà ở trường học, các con tôi cũng được ưu ái hơn các bạn khác. Ví dụ như các con sẽ luôn được học ở lớp có giáo viên giỏi nhất của khối làm chủ nhiệm (gọi là lớp ngoại giao); trong các hoạt động tập thể, con luôn được chọn vào đội biểu diễn văn nghệ; đến việc xếp loại học lực, các con cũng được nằm trong danh sách 20% học sinh xuất sắc của lớp…
Vì những gia đình có mối quan hệ thân thiết với trường như gia đình tôi hay chị hội trưởng hội phụ huynh của lớp, đã tước mất danh hiệu thực sự của các bạn khác xứng đáng hơn.
Trước đó tôi không suy nghĩ về điều đó quá nhiều, nhưng sau khi được một phụ huynh khác "nhờ vả", tôi đã thay đổi góc nhìn và sự định hướng cho các con.
Một bạn phụ huynh có con học cùng lớp với con gái nhỏ của tôi cho biết, con của bạn ấy có sức học rất tốt. Tuy nhiên, chỉ vì môn thể dục của cháu chỉ được xếp loại Hoàn thành nên xếp loại chung của năm học con chỉ được loại Giỏi. Điều này ảnh hưởng nhiều tới việc xét học bạ làm điều kiện thi tuyển cho cháu vào các trường chuyên, chất lượng cao khác sau này.
Phụ huynh này đã đề xuất với cô giáo chủ nhiệm nhưng không được, muốn nhờ tôi nói giúp với cô hiệu trưởng để tác động thêm. Do tôi cũng nắm được thông tin trước đó là cháu học rất tốt qua lời kể của nhiều phụ huynh khác và con gái tôi cũng kể rằng bạn Thắng học giỏi lắm nên tôi đã nhận lời với bạn ấy.
Trong buổi nói chuyện với cô hiệu trưởng, tôi bất ngờ khi được biết điểm thi hết học kỳ môn toán của con gái tôi được 7,5 nhưng được các cô ưu ái "làm tròn" thành 10, con của chị hội trưởng hội phụ huynh cũng như vậy. Con lớn của tôi thì học môn tiếng anh khá tốt, nên cô hiệu trưởng hỏi: em có thích cho con vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường không? Chị bảo cô phụ trách lớp cho con vào danh sách đó nhé.
Lúc đó tôi đã trả lời dứt khoát: Để vào được đội tuyển thì chắc là các con phải trải qua buổi kiểm tra trình độ để lựa chọn các bạn xuất sắc, nếu buổi đó đã diễn ra rồi thì em xin phép thôi, để cơ hội thực sự dành cho những bạn xứng đáng. Em không muốn con bị ảo tưởng vào bản thân quá mức nhờ quan hệ của bố mẹ.
Rõ ràng, vì những gia đình có mối quan hệ thân thiết, đặc biệt như gia đình tôi hay chị hội trưởng hội phụ huynh của lớp, đã tước mất danh hiệu thực sự của các bạn khác xứng đáng hơn, tạo một sự bất công không đáng có cho các con ngay những năm tháng đầu đời, lại ở trong môi trường giáo dục này. Mặt khác, các con của tôi sẽ bị ảo tưởng vào năng lực của bản thân, cho rằng mình xuất sắc dù thực tế không phải như vậy.
Từ suy nghĩ day dứt đó, tôi đã bàn với chồng và quyết định chuyển 2 con sang trường tư. Ở đó, đầu mỗi năm học tôi không phải điền vào bản kê khai lí lịch nghề nghiệp, chức danh của phụ huynh, các con tôi cũng như các học sinh khác trong trường đều phải tự nỗ lực chứ không có chuyện ưu ái làm tròn điểm số.
Ở ngôi trường này, học sinh nào yếu, sẽ được trường tổ chức các buổi học tăng cường củng cố thêm kiến thức (miễn phí) vào cuối một buổi học trong tuần; bạn nào học tốt sẽ được chọn vào lớp nâng cao, cũng miễn phí. Nếu muốn được vào đội tuyển học sinh giỏi, các con phải nỗ lực vì tháng nào cũng có bài kiểm tra chất lượng. Ngoài ra, muốn vào đội tuyển văn nghệ hay ban lãnh đạo trẻ của trường, các con phải tự chứng minh được tài năng của mình bằng bài thuyết trình.
Đến bây giờ, nhìn vào sự tự tin, hoạt bát, cũng như thành tích các con đạt được tôi thực sự hãnh diện vì đó là thành quả xứng đáng nhờ vào sự nỗ lực thực chất!
Khả Vân/dantri.com.vn