Ngày 21/12, tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Học viện Chính sách và Phát triển đã tổ chức hội thảo "Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị".
Hội thảo có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển khẳng định, sự kiện này thể hiện đúng định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đối với Học viện Chính sách và Phát triển là trở thành tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách, cầu nối giữa các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó, có Bộ KH&ĐT.
PGS. TS Trần Trọng Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải trải qua những tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt dần của nguồn tài nguyên thiên nhiên, gần đây nhất là đại dịch Covid-19 và những thách thức an ninh phi truyền thống.
Theo PGS. TS Trần Trọng Nguyên, những thách thức, sự kiện cực đoan này giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc phát triển hài hòa và cân đối giữa ba trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển bền vững đã và đang trở thành nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Việt Nam đã xây dựng bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững, dựa trên các mục tiêu được công bố bởi Liên hợp quốc với phương châm "không ai bị bỏ lại phía sau". Bộ KH&ĐT được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động với nhiều nội dung thực hiện khác nhau.
Toàn cảnh hội thảo "Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam: Tiến trình thực hiện và một số khuyến nghị" (Ảnh: NTCC).
Đồng thời, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan tổ chức nhằm theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và kế hoạch hành động này.
Trong quá trình thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam, còn nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra, như: Quan điểm về nội hàm và các bộ phận cấu thành phát triển bền vững, mô hình lý thuyết thực hiện phát triển bền vững ở các quốc gia; Trên khía cạnh đánh giá, giám sát thực hiện phát triển bền vững, các mục tiêu phát triển bền vững chưa được định lượng bằng các chỉ số cụ thể, nên việc đánh giá còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, việc đánh giá mức độ phát triển bền vững ở Việt Nam mới chỉ tập trung vào tổng thể quốc gia, chứ chưa xây dựng cho cấp độ tỉnh, thành phố. Việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
TS Nguyễn Thế Vinh - Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển trình bày tham luận (Ảnh: NTCC).
"Thông qua hội thảo, tôi kỳ vọng những nghiên cứu của nhà trường, các nhà khoa học, những thảo luận, trao đổi, kiến nghị của chuyên gia sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận về phát triển bền vững, giúp đánh giá tiến trình phát triển bền vững một cách toàn diện hơn ở các cấp, tích hợp các chỉ tiêu phát triển bền vững vào các quy hoạch cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và địa phương, hoàn thiện khung khổ chính sách về phát triển bền vững ở Việt Nam", PGS. TS Trần Trọng Nguyên nói.
Tại Hội thảo, có 3 tham luận được trình bày. Tham luận 1 là "Nửa chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và con đường phía trước" do TS Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ KH&ĐT trình bày.
Tham luận 2 là "Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu đến năm 2030" của GS. TS Ngô Thắng Lợi (thuộc Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) và TS Nguyễn Thế Vinh (thuộc Học viện Chính sách và Phát triển).
Nhóm nghiên cứu APD - ISESR trình bày tham luận 3 với chủ đề "Chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh - PSDI2021".
TS Lê Việt Anh tham luận tại Hội thảo (Ảnh: NTCC).
Trải qua 15 năm thành lập và phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển định hướng trở thành trường đại học có uy tín trong hệ thống giáo dục quốc dân về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn và phản biện chính sách vĩ mô.
Trong chiến lược phát triển được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phê duyệt gần đây, Học viện có sứ mệnh chuyển giao tri thức, bồi dưỡng, tư vấn và phản biện chính sách đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành KH&ĐT, cũng như của đất nước.
Học viện Chính sách và Phát triển được kỳ vọng trở thành một trong những tổ chức kết nối giữa nghiên cứu lý thuyết, nền tảng với các nghiên cứu mang tính chính sách; giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, chuyên gia với các cơ quan chính phủ, truyền tải ý kiến khoa học độc lập, khách quan, có giá trị tới các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách.
Quang Trường/dantri.com.vn