Theo giáo viên, xây dựng đội ngũ ban cán sự lớp, sao đỏ, về lý thuyết là để nâng cao ý thức lẫn khả năng tự quản của học sinh. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phản đối việc này vì nảy sinh tiêu cực.
Đội ngũ tự quản là cần thiết để quản lý học sinh
Cô H.T.N (giáo viên của một trường cấp 2 tại Hà Nội) chia sẻ: "Là giáo viên chủ nhiệm khi quản lý lớp thì thực sự rất khó khăn. Sĩ số lớp khoảng 40-50 em, nên tôi cũng khó mà nắm bắt, theo dõi sao sát từng học sinh.
Theo kinh nghiệm cá nhân, thường tôi sẽ chọn học sinh nào nghịch ngợm nhất trong lớp để làm cán sự, vì các em có tiềm năng quản lý lớp tốt".
Dù là khía cạnh học tập hay nề nếp, cô N. cho rằng giáo viên vẫn cần sự trợ giúp của ban cán sự ở phạm vi lớp và hội sao đỏ ở phạm vi trường.
Các em học sinh này sẽ theo dõi về nề nếp hoặc kiểm tra tiến độ hoàn thành bài tập của các học sinh khác.
Giáo viên có thể thông qua đó nắm bắt được đầy đủ, chính xác lỗi vi phạm hay biểu hiện tích cực của từng học sinh để điều chỉnh cách quản lý học sinh, quản lý lớp.
Cô N. nhấn mạnh việc nắm bắt thông tin học sinh là rất cần thiết. Giáo viên có thể phân loại học sinh, xác định những lỗi mà học sinh hay vi phạm, tìm hiểu nguyên nhân để tác động hoặc uốn nắn kịp thời.
Đồng quan điểm với cô N., cô P.T.H (giáo viên môn Toán của một trường cấp 3 tại Nam Định) cho rằng cán sự lớp là cần thiết trong vai trò trợ lý cho giáo viên chủ nhiệm những công việc mang tính chất hành chính.
Cô H. cho biết, giáo viên quản lý được ban cán sự lớp thì sẽ có thể bao quát được tình hình chung của lớp, thông tin của từng học sinh (Ảnh minh họa: Minh Anh).
Cô H. cũng nói thêm, việc quản lý học sinh phải được sự hỗ trợ từ phía gia đình. Nhưng ngay cả chính một số phụ huynh cũng gặp khó khăn trong việc kèm cặp con trẻ.
Điều này cũng một phần tạo nên áp lực cho giáo viên trên lớp trong việc giáo dục về cả kiến thức và nề nếp.
Bày tỏ quan điểm dưới góc độ là một giáo viên bộ môn, cô H. cảm thấy trong phạm vi thời gian lên lớp, việc quản lý học sinh song hành với việc giảng dạy là không dễ dàng.
Với giáo viên chủ nhiệm - người phải chịu trách nhiệm quản lý nề nếp và học tập của mấy chục học sinh càng khó khăn hơn.
Lo lắng con trẻ "say" quyền lực
Trên tư cách là phụ huynh, cũng từng là "sao đỏ" hồi còn đi học, đã chứng kiến đồng thời nghe con chia sẻ về vấn đề trong trường học, anh Đồng Phước Vinh (TPHCM) có ý kiến rằng, trách nhiệm quản lý trật tự trong nhà trường là của giáo viên giám thị thay vì ủy thác chức danh sao đỏ, cán sự lớp cho học sinh.
Anh Vinh cho rằng việc giáo viên trao quyền lực cho con trẻ ở độ tuổi non nớt sẽ dễ gây hại cho quá trình hình thành nhân cách, phát triển tâm lý bởi sự biến tướng trong việc theo dõi các bạn học sinh khác.
Mặc dù mục đích là để trợ giúp giáo viên trong việc tổ chức kỷ luật học đường. Tuy nhiên học sinh học lớp 1 tới lớp 9 còn thiếu nhận thức, rất dễ bị tác động mà hành xử cảm tính, không công tâm, không chuẩn mực.
Theo anh Vinh, việc dùng đội "cảnh sát" để theo dõi các vi phạm nội quy sẽ tạo tâm lý "có chức - quyền" trong học sinh (Ảnh minh họa: Kiều Hiền).
"Ví dụ hai em học sinh cùng đi trễ, cùng không mang khăn quàng đỏ nhưng sao đỏ có thể giấu lỗi cho bạn này và gay gắt với bạn còn lại, chỉ bởi một bạn có quan hệ thân thiết hơn.
Có những trường hợp những em là sao đỏ đã biết lạm dụng quyền để vòi vĩnh bạn học nhằm tư lợi riêng từ viên kẹo, cái bánh đến chép bài tập hộ.
Sao đỏ hoặc cán sự lớp lạm quyền sẽ tạo ra sự không hài lòng giữa các học sinh khác. Tình huống tiêu cực có thể xảy ra là bạo lực học đường", anh Vinh nói thêm.
"Cá nhân tôi cho rằng cho con làm sao đỏ và cán sự lớp hại nhiều hơn là lợi. Và bắt nguồn từ việc này đều là do vấn đề thi đua: thi đua về nề nếp, thi đua về học tập". Anh Nguyễn Phước Trung (TPHCM) bày tỏ.
Anh Trung luôn cố gắng giải thích với con về mặt trái của việc làm cán sự, sao đỏ. Việc con trẻ có quyền hành như "quan" ở chốn học đường sẽ dễ nảy sinh ra ý thức phân quyền.
Khi ấy, học sinh sẽ chấp nhận những bất công mà không có ý thức về quyền bình đẳng, anh Trung nhấn mạnh.
"Học sinh vi phạm thì sẽ nói dối, còn những bạn cán sự sao đỏ chuyên đi theo dõi sẽ bị coi là kẻ chỉ điểm.
Điều này vô tình làm hỏng tình bạn vô tư trong sáng của con trẻ với nhau, mặt khác cũng sẽ khiến các con nảy sinh suy nghĩ sai lệch. Học sinh sẽ thấy "oai" hơn là trách nhiệm, sẽ thấy quyền lợi hơn là thử thách.
Như vậy hoàn toàn là phản giáo dục. Do đó cá nhân tôi phản đối việc hình thành "quan nhí" trong học đường", anh Trung chia sẻ.
Nhung Nhung/dantri.com.vn