Với mong muốn tạo ra sân chơi khoa học bổ ích và lý thú, nơi học sinh có thể trải nghiệm sáng tạo, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm STEM Robotics, qua đó thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Ông Hoàng Văn Thao, Phó trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: “STEM” là viết tắt của các từ: Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật, Mathematics – toán học. Khác cách dạy truyền thống, mỗi môn một lượng kiến thức riêng, dạy theo chương trình giáo dục STEM, các hoạt động trong chương trình giáo viên thường tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết một cách sáng tạo, bằng lượng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Để vận dụng STEM hiệu quả, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở tích cực triển khai các hội thảo, ngày hội STEM Robotics, cho học sinh thể hiện khả năng lập trình, điều khiển robot. Tại đây, các em học sinh được giới thiệu các không gian trưng bày, biểu diễn các mô hình STEM Robotics, STEM tái chế, STEM sắc màu… Dưới sự hướng dẫn của chuyên gia tư vấn cùng các thầy cô giáo, các em học sinh đã được trực tiếp thực hành trên sản phẩm, trải nghiệm những kiến thức và kỹ năng mới.
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan thuyết trình về sản phẩm STEM tại Ngày hội STEM cấp tỉnh
Đặc biệt, sau khi được Liên minh STEM Việt Nam tặng robot trải nghiệm, Sở GD&ĐT tạo đã phân bổ 80 robot cho các trường THPT (năm 2021), đồng thời, triển khai tập huấn, hướng dẫn và yêu cầu các nhà trường phổ biến cho học sinh nghiên cứu. Qua đó, tháng 5/2022, sở đã tổ chức cuộc thi Lập trình, điều khiển robot cấp tỉnh dành cho học sinh THPT năm 2022. Mặc dù là năm đầu tiên tổ chức, song đã thu hút 29 đội đến từ 33 trường có cấp THPT trên địa bàn tỉnh tham dự. Trong đó, đội thi Trường THPT Tràng Định đạt giải Nhất. Đến đầu năm học 2022 – 2023, ngành tiếp tục được Liên minh STEM Việt Nam tặng 22 robot và phân bổ cho các phòng GD&ĐT, qua đó, triển khai cho các trường khối THCS. Sau đó, các trường đã nghiên cứu, dạy học và tổ chức cuộc thi cấp cơ sở, thu hút đông đảo học sinh tham gia.
Trong những ngày đầu tháng 12/2022 vừa qua, chúng tôi có dịp tham dự Hội thảo nâng cao chất lượng giáo dục STEM của ngành giáo dục huyện Bình Gia. Tại đây, phần thu hút học sinh, giáo viên hơn cả đó là cuộc thi điều khiển, lập trình robot của học sinh Trường THCS Tô Hiệu, THCS Hoàng Văn Thụ, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Phong và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Hồng Thái. Trong đó, cuộc thi lập trình và điều khiển robot ảo kéo dài hơn 30 phút, các đội có nhiệm vụ lập trình cho robot ảo di chuyển và đưa các vật phẩm về ô có màu tương ứng, học sinh sử dụng máy tính kết nối với màn hình rộng cho cả hội trường cùng quan sát. Đối với cuộc thi điều khiển robot thật, các đội điều khiển rô bốt lần lượt chinh phục các địa danh nổi tiếng của huyện Bình Gia được thể hiện trên sơ đồ thi đấu như: Hang Thẩm Khuyên, thác Đăng Mò, núi Nàng Tiên…
Chia sẻ với chúng tôi, em Vi Văn Thảo, học sinh lớp 9C, Trường THCS Tô Hiệu, huyện Bình Gia cho biết: Các tiết học STEM luôn thu hút chúng em bởi ngoài học lý thuyết, học sinh được tự do, thoải mái sáng tạo, tìm và tái chế các vật liệu theo cách riêng của mình. Đặc biệt là khi được tiếp cận với robot, ai cũng thích và hào hứng nghiên cứu. Em mong rằng sẽ có nhiều hoạt động trải nghiệm STEM hơn nữa để chúng em được trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Không chỉ các trường ở huyện Bình Gia, thời gian qua tại 11/11 huyện, thành phố các đơn vị, cơ sở giáo dục đã chú trọng tổ chức hoạt động STEM; thành lập, phát triển câu lạc bộ lập trình điều khiển robot (gần 100 câu lạc bộ) với thành phần là giáo viên hướng dẫn và học sinh yêu thích lập trình, xây dựng kế hoạch sinh hoạt, bố trí điều kiện cho câu lạc bộ hoạt động; tổ chức cuộc thi lập trình điều khiển robot cấp trường, cấp cụm trường và chủ động cho học sinh tìm hiểu, tham gia các cuộc thi về lập trình, điều khiển robot trên mạng Internet…
Không còn là bảng đen, phấn trắng với những lời giảng lý thuyết, học STEM, học sinh được thực hành, trải nghiệm nhiều hơn, học tập gắn với cuộc sống thực hơn. Đặc biệt, với các hoạt động trải nghiệm STEM, học sinh được làm quen và xây dựng các kỹ năng cần thiết để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại của tương lai.
HOÀNG TÙNG/baolangson.vn