"Được tiền lì xì của trường cậu làm gì?". "Tớ để dành mua laptop". "Tớ góp vào mua bộ đồ thật đẹp". "Tớ mừng tuổi lại mấy đứa trẻ con ở nhà". "Tớ thêm tiền mua học liệu...". Câu chuyện của các sinh viên Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) trở nên rôm rả khi được thông báo năm nay trường sẽ “mừng tuổi” cho toàn bộ sinh viên.
Lì xì cho sinh viên dịp Tết đến, xuân về không còn là điều mới, mang lại sắc thái vui vẻ dịp đầu năm mới. Những năm gần đây, một số trường đại học nước ta đã coi việc lì xì cho sinh viên như một hình thức động viên tinh thần sinh viên trong dịp năm mới, giúp các em cảm thấy ấm áp và phấn khởi hơn, sau Tết bước vào năm học với tâm thế vui vẻ, sẵn sàng học tập...
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các trường không nên mừng tuổi sinh viên bằng tiền. Họ lập luận, sinh viên là những người đã trưởng thành, không còn là trẻ nhỏ. Sinh viên cũng là người đã tự chủ một phần cuộc sống của mình, có người đã đi làm thêm và có thu nhập. Có ý kiến lại băn khoăn: Việc tặng tiền cho sinh viên có vẻ đang cổ xúy cho suy nghĩ thực dụng.
Hơn nữa, nhà trường lì xì cho toàn bộ sinh viên là một khoản tiền khá lớn. Vậy nguồn thu-chi bảo đảm như thế nào, liệu có ảnh hưởng đến việc sinh viên sẽ phải đóng thêm học phí?...
Ảnh minh họa: Internet. |
Tất nhiên, không trường nào làm vậy. Hầu như các trường đều lấy kinh phí trích từ quỹ hỗ trợ sinh viên của nhà trường cho toàn bộ hoạt động này. Hơn nữa, lì xì là phong tục lấy may đầu năm và nhiều sinh viên cũng có niềm tin và mong muốn có chút may mắn trong cuộc sống, học tập.
Không thể phủ nhận một khoản tiền nhỏ khiến không khí đầu năm mới tưng bừng, phấn khởi và ấm áp hơn. Thầy, cô, nhà trường lì xì cho sinh viên là thể hiện sự quan tâm, mong muốn một năm hạnh phúc, giỏi giang, chăm chỉ, thành công...
Nhiều sinh viên cũng sử dụng khoản tiền vào những việc có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Trường đại học mừng tuổi sinh viên có thể coi như một phương thức để kết nối nhiều hơn với sinh viên. Đây có thể là cách “tiếp thị” để sinh viên yêu quý và gắn bó hơn với nhà trường.
Chính những câu chuyện của sinh viên khi chia sẻ với bạn bè, người thân cũng là cách để nhà trường quảng bá hình ảnh thân thiện, gần gũi với sinh viên, thu hút những sinh viên tiềm năng đến với trường mình.
Tất nhiên mỗi trường đại học đều có những mục tiêu, định hướng khác nhau. Việc tặng quà Tết cho sinh viên bằng lì xì có thể có và cũng có thể không. Thế nhưng, đã tặng quà sinh viên thì cần tặng sao cho tinh tế, tránh lãng phí, đúng tinh thần vui Tết, điều đó mới đáng quý, đáng trân trọng. Là người Việt Nam, ai cũng hiểu ý nghĩa của việc lì xì Tết không nằm ở số tiền mừng tuổi mà quan trọng là tình cảm tốt đẹp của người nhận và người gửi dành cho nhau.
Vì vậy, nhiều trường đã có những điều chỉnh phù hợp hơn như lì xì tiền chỉ còn mang tính tượng trưng kèm theo những món quà thiết thực, ý nghĩa như nhu yếu phẩm, bánh chưng, vé xe về quê, lịch... Có trường đại học còn sáng tạo ra những món quà nhỏ xinh xắn giúp sinh viên thể hiện tình cảm yêu thương, sự biết ơn với đấng sinh thành... Những món quà này nhận được nhiều sự đồng tình từ sinh viên và cộng đồng, bởi đó mới là những món quà mang tính giáo dục cao.
Hiền Vinh/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/te-nhi-khi-li-xi-cho-sinh-vien-715543