Họ đã biến trường học thành nơi để trục lợi!

Thứ 4, 04.01.2023 | 08:56:03
801 lượt xem

Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thời kỳ 2014-2018 không thể vô can khi để xảy ra “lợi ích nhóm” trong in ấn, phát hành sách giáo khoa.


Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây về hàng loạt sai phạm liên quan sách giáo khoa (SGK) đã nêu rõ "có dấu hiệu lợi ích nhóm giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là cơ quan quản lý nhà nước với Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam".

Thông tin trên không gây bất ngờ nhưng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nó chạm đúng bức xúc xã hội lâu nay: Những người nhân danh công tác giáo dục, chăm lo sự học cho con em chúng ta lại biến trường học trở thành kênh phân phối sách vở, đồ dùng dạy học theo kiểu "bán bia kèm mồi"! Gánh nặng dồn lên vai cha mẹ học sinh.

Họ đã biến trường học thành nơi để trục lợi! - Ảnh 1.

Thời gian gần đây, hàng loạt câu hỏi về "góc khuất" trên đường đi của SGK từ NXB đến tay học sinh được đưa ra dồn dập. Nghị trường Quốc hội dậy sóng khi đại biểu chất vấn gay gắt tư lệnh ngành về giá SGK. 

Mấy tháng trước, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng ký quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam, vì đã vi phạm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, phát hành SGK mới.

Mặc cho dư luận bức xúc, doanh thu của Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam - doanh nghiệp độc quyền kinh doanh SGK - vẫn đạt hơn 1.828 tỉ đồng trong năm 2021, vượt 40% kế hoạch, chủ yếu từ phân phối SGK. Lợi nhuận trước thuế đạt 314,4 tỉ đồng, vượt hơn 250% kế hoạch. Đây là mức lãi cao nhất tính đến thời điểm đó, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến mọi ngành nghề lao đao, đời sống người dân chật vật.

Kết luận thanh tra chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến những lùm xùm về sản xuất, phân phối SGK là do "lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường". Cần cấp bách rà soát, đánh giá, đổi mới hoạt động của những doanh nghiệp đang giữ thế độc quyền "một mình một chợ" - như Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam.

Tại sao các quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa, thẩm định, duyệt, xuất bản, in và phát hành SGK đều có đủ nhưng những người quản lý vẫn dễ dàng lách luật nhờ bàn tay "phù phép"? Cần tiếp tục làm rõ việc triển khai Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông với không ít vấn đề đã được đại biểu Quốc hội chỉ ra.


Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp xã hội hoạt động trong một số lĩnh vực, ngành nghề phục vụ lợi ích công cộng, từ thiện, môi trường phải trích ít nhất 51% lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư cho mục tiêu này. Lợi nhuận "khủng" từ kinh doanh SKG của Công ty TNHH MTV NXB Giáo dục Việt Nam có được bảo đảm theo quy định này? Cần được làm rõ!

Hiện nay, với tốc độ phát triển và phủ sóng internet mạnh mẽ, việc xây dựng các phần mềm, ứng dụng trực tuyến, sách điện tử... sẽ cung cấp cho người học những bộ SGK miễn phí, tiện dụng. Điều này cũng góp phần xoá bỏ "lợi ích nhóm" trong xuất bản và phát hành SGK. Tại sao không sớm triển khai?

Đối với bộ phận học sinh nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, nhà nước vì sao không áp dụng chính sách trợ giá hay cung cấp miễn phí SGK như một mặt hàng đặc biệt?

Việc công bố kết luận thanh tra nêu trên chỉ là bước đầu. Có "lợi ích nhóm" giữa những người có thẩm quyền ở Bộ GD-ĐT và NXB hay không, Bộ Công an sẽ làm rõ và xử lý. Quan trọng hơn là cần làm rõ đến tận cùng trách nhiệm của cá nhân, nguyên nhân vi phạm và xử lý thích đáng nhằm lành mạnh hoá môi trường giáo dục.

Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với Bộ trưởng, lãnh đạo bộ được phân công phụ trách từng thời kỳ; đơn vị, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc bộ có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm thuộc trách nhiệm của đơn vị theo từng thời kỳ.

Nhưng, quan trọng hơn là câu chuyện xây dựng niềm tin trong giáo dục; là tìm giải pháp sớm ngăn ngừa, xử lý tiêu cực, sai phạm trong trường học nhằm triệt tiêu mầm mống của việc biến trường học thành "kênh phân phối SGK kèm mồi" hay "ép SGK ra hoa hồng" như vừa qua.

Kiến nghị chuyển cơ quan Công an điều tra làm rõ:

1. Việc hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu "lợi ích nhóm" giữa Bộ GD-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước với NXB Giáo Dục Việt Nam.

2. Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất SGK của NXB Giáo Dục Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.


TS Trần Hữu Hiệp/nld.com.vn

https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-ho-da-bien-truong-hoc-thanh-noi-de-truc-loi-20230103022607282.htm 

  • Từ khóa