Nhiều học sinh lớp 10 đang loay hoay vì lúc đầu trót "chọn bừa" tổ hợp môn nhưng sau một học kỳ lại thấy không phù hợp hoặc không theo kịp.
Nhiều học sinh muốn đổi tổ hợp
Năm học này, lứa học sinh lớp 10 đầu tiên theo học chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo đó, các em phải học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, lịch sử, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh được chọn 3 môn khác, trong 9 môn lựa chọn. Các nhà trường sẽ xây dựng những tổ hợp sao cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và giáo dục của nhà trường.
Nhiều học sinh muốn đổi tổ hợp môn vì không phù hợp nhưng nhà trường và học sinh đang loay hoay bởi một số quy định (Ảnh: Mạnh Quân).
Ngay đầu năm học, khi thấy các bạn trong lớp bàn tán rôm rả, Hoàng Hải, học sinh một trường THPT ở Hà Nội cũng chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm toán, hóa, sinh để định hướng vào một trường có khối ngành Y dược.
Thế nhưng sau một học kỳ, em bắt đầu thấy đuối bởi khối lượng bài tập quá lớn. "Lúc đó em chỉ nghĩ ở cấp 2 mình học môn này tạm được nên chọn bừa để sau này dễ xin việc.
Em không ngờ lên cấp 3, khối lượng bài tập nhiều và khó như vậy. Điểm thi 3 môn này của em toàn dưới trung bình, em thấy quá sức.
Vậy nên em muốn đổi sang tổ hợp vật lý, địa lý, kinh tế pháp luật, tin học để sau này theo một ngành kỹ thuật nào đó", Hải nói.
Việc đổi tổ hợp giữa chừng khi đã có điểm đánh giá định kỳ như Hải khiến các trường loay hoay không biết làm sao.
Bảo Nam hiện đang học một trường THPT ở Thanh Trì. Bảo Nam phải theo gia đình chuyển nhà đến quận khác vì mẹ chuyển nơi công tác.
Thế nhưng khi đến trường mới lại không có tổ hợp môn học mà Nam đang chọn lựa.
Bố mẹ Nam bối rối chưa biết tính sao cho trường hợp của Nam bởi theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, thủ trưởng đơn vị nơi học sinh chuyển đến chỉ xem xét và ghi ý kiến tiếp nhận vào đơn xin chuyển trường đối với học sinh học các môn học lựa chọn và các chuyên đề lựa chọn phù hợp với các môn học mà đơn vị mình đang thực hiện.
"Nếu sang trường mới, không có tổ hợp môn hiện Nam đang theo học thì không thể chuyển trường", mẹ Nam nói.
Loay hoay với các tình huống
Trao đổi với PV Dân trí, bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) cho biết, nhà trường đang rất "đau đầu" vì đến thời điểm này có khoảng 30-40 học sinh có nhu cầu chuyển tổ hợp môn (tương đương 10% học sinh), chưa kể học sinh muốn chuyển trường theo gia đình. Thế nhưng nếu chiếu theo quy định của Bộ GD&ĐT, nhà trường khá bối rối.
Cụ thể, theo công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT có hướng dẫn: "Trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo Sở GD&ĐT". Do vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định.
Thế nhưng mỗi trường sẽ có kế hoạch tổ chức giảng dạy, xây dựng cơ cấu lớp, quy định sĩ số lớp, phân công giáo viên, cơ sở vật chất... khác nhau, nên cần có những hướng dẫn riêng.
Và theo bà Văn Liên Na, Bộ GD&ĐT nên quy định trường hợp "đặc biệt" là như thế nào để các trường dễ vận dụng.
Bộ GD&ĐT nên có quy định linh hoạt trong việc chuyển đổi tổ hợp (Ảnh: Đ. Tuệ).
"Một số em đang chọn tổ hợp có môn hóa, sau một thời gian thấy nặng quá không theo nổi, các em muốn đổi sang môn tin học chẳng hạn thì làm thế nào?
Nếu không được phép chuyển, các em có thể vừa học tổ hợp có môn hóa ở trường, vừa tự học thêm bên ngoài môn tin học thì sau này các em có được thi nếu không có điểm môn tin học ở trường hay không?
Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có quy định linh hoạt trong việc chuyển đổi tổ hợp", bà Liên Na nói.
Hiện nhà trường chưa nhận được đơn xin chuyển tổ hợp từ học sinh lớp 10 nhưng theo ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THPT Lô mô nô xốp, nhu cầu đổi tổ hợp môn hoàn toàn có.
"Ngay cả học sinh lớp 12, dù sắp sửa thi nhưng nhiều em vẫn muốn đổi khối thi.
Thậm chí có em học một thời gian tổ hợp toán, hóa, sinh nhưng sau một năm thấy không phù hợp lại đổi sang tổ hợp vật lý, địa lý, tin học…
Sau một năm theo đuổi tổ hợp vật lý, địa lý, tin học, một số em lại quay về tổ hợp ban đầu để phù hợp với bài thi đánh giá năng lực của một số trường đại học", thầy Tùng chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, trước khi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường đã tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh, trong đó có sự tham gia của bố mẹ.
Nhà trường giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh và học sinh. Khi vào học chính thức, nhà trường dành tiếp một tuần nữa để học sinh chọn "nháp" và cân nhắc tổ hợp lựa chọn lần nữa để chuyển đổi.
Do nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp nên hiện nhà trường không có tình trạng chuyển đổi tổ hợp. Mặc dù vậy, theo hiệu trưởng này, Bộ GD&ĐT cũng nên có hướng dẫn cụ thể hơn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí ngày 3/1, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, tại cuộc họp với Bộ GD&ĐT mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cùng một số đơn vị khác đã nêu vấn đề khó khăn của học sinh khi muốn đổi tổ hợp môn khi hết học kỳ 1.
Một khi chưa có văn bản hướng dẫn khác, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng như một số địa phương vẫn thực hiện theo văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT.
Trả lời về vấn đề này, trước đó PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, chương trình đã quy định tổng số tiết theo một năm, nên không khuyến khích học sinh chuyển tổ hợp hay chuyển trường trong học kỳ một, mà nên đợi hết năm. Học sinh muốn chuyển phải đủ năng lực để học các môn mới, các môn cũ cũng cần đảm bảo đủ điều kiện lên lớp.
Mỹ Hà/dantri.com.vn