Lỗi tại khách quan hay do chưa quan tâm giáo dục?

Thứ 3, 10.01.2023 | 14:46:56
694 lượt xem

Nhiều người đổ lỗi việc trẻ em nghiện và chịu tác động tiêu cực từ mạng xã hội (MXH) đến từ xu thế tất yếu do sự phát triển của công nghệ số. Tuy nhiên, việc gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng quản lý và chưa có những phương pháp hiệu quả để giúp trẻ em an toàn và tiếp thu được cái hay trên MXH được xem là gốc rễ của vấn đề.

Trẻ em xem mạng xã hội ngày càng nhiều

Mới 10 tuổi, nhưng cháu LNM (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã bị loạn thị, hay cáu gắt với người lớn và thường xem YouTube trên 6 tiếng mỗi ngày. Mặc dù biết thói quen sinh hoạt trên của con là không tốt, song chị TTY chưa biết giải quyết tình trạng này thế nào. Được biết, ngay từ khi con trai mới 3 tuổi, chị TTY đã sớm cho con xem YouTube với tâm lý để con bớt nghịch và dễ bảo hơn.

Điều đó đã hình thành tâm lý cho LNM thường xuyên ra điều kiện với mẹ để được xem MXH, hờn dỗi và chống đối khi bị cấm đoán xem video giải trí trên YouTube. Chị TTY cho biết: “Trước đây, nhiều người đã khuyên tôi không nên cho con dùng điện thoại thông minh từ sớm, nhưng tôi đã bỏ ngoài tai vì để con bớt nghịch. Giờ đây, con trai tôi đã bị loạn thị, thường xuyên cáu gắt đòi xem MXH mỗi ngày khiến gia đình rất lo lắng. Tôi không nghĩ việc cho con dùng MXH từ sớm lại gây ra nhiều hệ lụy đến vậy...”.

Trong xã hội hiện đại, không hiếm để chúng ta bắt gặp cảnh trẻ em sớm được bố mẹ cho dùng điện thoại thông minh; cả gia đình đi chơi mà không nói với nhau câu nào chỉ chăm chăm dán mắt vào màn hình điện tử. Theo các chuyên gia, chính thói quen dùng mạng xã hội hằng ngày, hằng giờ của người lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ. Thậm chí nhiều người lớn còn bị “nghiện” khoe con, khoe gia đình; đi đâu, làm gì cũng phải “cúng phây” (đăng tải hình ảnh, thông tin, địa điểm lên Facebook).

Đánh giá về thực trạng này, PGS, TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Rõ ràng là năng lực số của người lớn và kỹ năng sống an toàn trên MXH cho thế hệ trẻ đang bị bỏ ngỏ. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trẻ em dưới 9 tuổi sử dụng internet đã tăng lên đáng kể. Thậm chí có những trẻ mới biết đi đã được cha mẹ cho sử dụng các thiết bị kết nối internet, đặc biệt là máy tính bảng và điện thoại thông minh. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều trẻ rất nhỏ truy cập internet trước khi được trao đổi về kỹ năng ứng xử an toàn và văn minh trên mạng. Bản thân cha mẹ sinh ra cũng không phải là công dân số, cũng chưa được trang bị năng lực số và năng lực sống an toàn trên không gian mạng nên nhiều lúc cũng có những hành vi chưa chuẩn mực”.

Bài 2: Lỗi tại khách quan hay do chưa quan tâm giáo dục?
 Cháu LNM (bên phải) thường xem YouTube trên 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ảnh: HOA LƯ.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: “Khi trẻ em tiếp xúc nhiều với MXH sẽ thành quen, thấy mới lạ thì muốn tìm hiểu và làm theo, có khi cũng là do trào lưu, thấy bạn thích mình cũng thích, thấy bạn thần tượng mình cũng vậy. Ông cha ta có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, nếu tiếp xúc với thông tin tốt thì trẻ em sẽ có xu hướng có hành vi, suy nghĩ đúng đắn, tích cực; nếu tiếp xúc với cái xấu thường xuyên thì trẻ em dễ bị ảnh hưởng, suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực, hành vi không đúng mực”.

Buông lỏng quản lý, giám sát trẻ

Trong cuộc sống hiện đại, trẻ em dùng MXH hằng ngày, hằng giờ với gần như mọi hoạt động, hành vi ứng xử hay thông tin đều được đăng tải lên đó. Thay vì hỏi số điện thoại của nhau, các bạn trẻ sẽ hỏi “Facebook/Instagram của bạn là gì?”. Nhiều trẻ em coi MXH quan trọng như cuộc sống thực ngoài đời thường mà không biết rằng bản thân đang rơi vào một thế giới ảo đầy cạm bẫy.

Lý giải nguyên nhân trên, thầy Lê Xuân Hưởng, giáo viên Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: “Việc trẻ em nghiện MXH đến từ nguyên nhân thiếu quan tâm, thiếu phương pháp giáo dục từ phía gia đình. Thay vì định hướng cho con quan tâm đến những nội dung lành mạnh từ nhỏ như đọc sách, giúp đỡ người khác, nhiều phụ huynh thường tạo áp lực về thành tích học tập, khiến các em bị căng thẳng tâm lý và phải tìm những thú vui từ MXH để giải trí. Nhiều gia đình sớm sắm cho con những thiết bị điện tử có kết nối internet từ nhỏ mà không có định hướng, giám sát khiến nhiều em thoải mái sử dụng MXH”.

Cuộc sống mưu sinh khiến cho không ít gia đình rơi vào vòng xoáy "cơm, áo, gạo, tiền" mà ít có thời gian quan tâm với con trẻ. Bởi vậy, tâm lý phụ thuộc vào thầy cô, cho rằng việc con tốt hay xấu là trách nhiệm của nhà trường đã tồn tại trong không ít suy nghĩ của phụ huynh. Chị LTT, công nhân thuộc Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) trăn trở: “Sau những giờ tăng ca, khi về đến nhà tôi chỉ muốn lăn ra ngủ và ít có thời gian trò chuyện, quan tâm con. Mặc dù chúng tôi đã lắp camera tại nhà, biết được con thường xuyên lên MXH, nhưng vì không bên cạnh sâu sát nên cũng khó nói cho con hiểu. Tôi rất mong nhà trường sớm có biện pháp trong việc giáo dục, định hướng để trẻ em an toàn trên MXH. Xem những vụ trẻ em bị xâm hại, tự kỷ vì MXH khiến gia đình rất lo lắng, nhưng vì điều kiện chúng tôi không biết phải làm thế nào”.

Sống ảo - mối nguy gây nghiện

Thông qua chụp cộng hưởng từ MRI, các nhà khoa học khám phá ra rằng khi con người tự nói về bản thân mình, não bộ cũng có cảm giác hài lòng và tạo ra những trải nghiệm thú vị. Giống như cơ chế nghiện các chất kích thích khác, việc kích hoạt hệ thống tưởng thưởng của não bộ thông qua tự thể hiện bản thân có thể làm tăng hormone hạnh phúc, tạo thời gian sử dụng quá mức và là nguyên nhân giới trẻ nghiện MXH.

Chưa hết, MXH đem đến cho người dùng cảm giác được tương tác với bất kỳ ai, từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình cho đến những người nổi tiếng và thần tượng. Để kết nối người dùng, MXH còn đưa ra tính năng "tag" và "hashtag" (kết nối, chia sẻ trực tiếp với tài khoản MXH của đối tượng). Điều này lôi kéo và thu hút các "con nghiện" cùng nhau bàn luận trên một chủ đề mà tất cả đều quan tâm, biến MXH trở thành “ngôi nhà chung” cho những người dùng có quan điểm giống nhau.

Ngoài ra, MXH được ví như một "sòng bạc", trong đó mỗi người dùng là “con bạc” có nhiệm vụ đặt cược vào nội dung bản thân sáng tạo mỗi ngày. Ai cũng có mong muốn thu hút được nhiều lượt thích, bình luận tích cực và chia sẻ đồng tình. Do đó họ cần tính toán xem phải viết gì để vừa lòng cộng đồng mạng, nhưng không đoán trước được kết quả tương tự như trước mỗi ván bài.

Nhìn nhận thực trạng nghiện MXH của trẻ em, bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng: Chúng ta phải tự đặt câu hỏi rằng tại sao ở Anh hay Nhật Bản lại có Bộ Chống tự tử và Bộ Chống cô đơn? Ở Việt Nam hiện nay, có những đứa trẻ đang le lói bệnh trầm cảm từ áp lực học tập hoặc từ những vấn đề khác gây ra những vụ tự tử như vừa qua rất tai hại. Nhưng tai hại nữa cho tương lai đất nước là hiện đang xuất hiện một thế hệ trẻ từ nhận thức hành động, ăn mòn vào trong lối sống đạo đức như vô cảm, bàng quan trước những hiện tượng của xã hội mà đáng lẽ ra chúng phải lên tiếng.

“Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em nghiện và chịu tác động tiêu cực từ MXH là nhiều gia đình chưa đặt nặng vấn đề đạo đức, lối sống. Nếu cứ đà này, khoảng 10 năm nữa, nhận thức của thế hệ trẻ đã ngấm những tư tưởng mà mình không lường trước được từ môi trường MXH đang tự do khai thác hiện nay. Vì vậy, xây dựng nhân cách trẻ em Việt Nam trước hết phải bắt đầu từ giáo dục lối sống từ trong gia đình. Ở đó, bố mẹ vừa đóng vai trò là bạn, vừa là những chuyên gia để bảo vệ con trẻ an toàn và tiếp thu những cái tốt trên MXH”, bà Trần Tuyết Ánh nói.

Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền Hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cung cấp: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.997 bài viết có nội dung thông tin xấu độc trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em tại Việt Nam như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều, Hội những người muốn tự tử, Hội những người ghét cha mẹ... 

(còn nữa)


LÊ HỮU TRƯỞNG

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/bai-2-loi-tai-khach-quan-hay-do-chua-quan-tam-giao-duc-716195

  • Từ khóa