Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Bộ GD&ĐT đã phối hợp, từng bước tháo gỡ trên cơ sở kiên trì, khắc phục từng bước.
Hai năm "vật lộn" với khó khăn, thiếu thốn
Trao đổi với PV Dân trí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến thời điểm này, có thể nhận định việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình phổ thông mới) đã đi được gần nửa chặng đường, đang diễn ra theo đúng lộ trình và tất cả các địa phương đều đã đồng loạt vào cuộc, nỗ lực triển khai thực hiện.
Trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc nhất cho giáo dục.
Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên (Ảnh: Mỹ Hà).
Chính thức đi vào thực hiện từ năm 2020 với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là vừa phải vật lộn với dịch bệnh vừa thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, song có thể nói nửa chặng đường triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện ở các phương diện: Triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước và tất cả các địa phương đã vào cuộc.
Hiện chưa có bản tổng kết nào có thể kể hết được những công việc sáng tạo, bền bỉ, âm thầm của từng địa phương, nhà trường, thầy cô giáo để triển khai chương trình.
Có được những kết quả ở giai đoạn đầu tiên, công đầu thuộc về các Sở GD&ĐT, các nhà trường và đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Trước mắt vẫn còn nhiều vướng mắc, còn nhiều việc chưa hài lòng, còn nhiều việc phải làm tốt hơn, nhưng vẫn phải nhìn nhận rằng việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đạt được những mục tiêu rất căn bản. Nhìn tổng thể, những gì chưa làm được là bộ phận, nhỏ hơn rất nhiều so với thành quả đã đạt được.
"Ngành Giáo dục còn nhiều việc cần phải làm trong nửa chặng đường tiếp theo. Trong đó, trước hết cần thống nhất: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước, do đó, đây là nhiệm vụ chính trị phải hoàn thành và chỉ được phép thành công.
Từ ý chí, quyết tâm như vậy, chúng ta cần tiếp tục có thêm những thuyết phục với chính quyền địa phương, phụ huynh…, để tiếp tục tạo sự chia sẻ, đồng thuận với quá trình thực hiện đổi mới", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.
Giáo viên là "chiến sĩ" trên mặt trận đổi mới
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, có rất nhiều việc phải làm, trong đó phần việc quan trọng là tập huấn, hỗ trợ cho lực lượng giáo viên về các môn học mới và phương pháp giảng dạy mới.
Để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên dạy các môn học mới, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc sắp xếp một lượng biên chế giáo viên có thể tuyển dụng để đáp ứng căn bản số lượng này.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã năng động, linh hoạt huy động các nguồn nhân lực có trình độ, phù hợp, tăng cường kỹ năng sư phạm để lực lượng này tham gia giảng dạy, nhất là đối với môn Tin học và môn Ngoại ngữ…
Sẽ có những biến chuyển về thu nhập của giáo viên trong thời gian tới (Ảnh: Mỹ Hà).
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, trước hết cần ghi nhận, động viên, khích lệ, kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tối đa cho đội ngũ giáo viên, bởi họ chính là những "chiến sĩ" trên mặt trận đổi mới.
"Quốc hội đã thông qua việc tăng lương cho đối tượng công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023, trong đó có giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đề xuất về điểu chỉnh mức phụ cấp cho giáo viên cũng đã được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ xem xét, quyết định. Như vậy, chắc chắn sẽ có những biến chuyển về thu nhập của giáo viên trong thời gian tới", Bộ trưởng khẳng định.
Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quản lý điều hành để điểu chỉnh và sẽ không ngại điểu chỉnh để phù hợp với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong thực tiễn.
Một trong những văn bản quan trọng nhất sẽ được Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng trong thời gian tới là Luật Nhà giáo.
Thực tế triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.
Thời gian qua, những vấn đề này đã được Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành, địa phương từng bước tháo gỡ. Quan điểm vẫn là phải tiếp tục kiên trì để khắc phục từng bước.
Với nhóm việc về chuyên môn, cần tăng cường hơn nữa trao đổi chuyên môn hai chiều giữa Bộ và các Sở GD&ĐT, nhà trường, giáo viên; các vấn đề về chuyên môn phát sinh phải xử lý ngay.
"Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, cải cách nên hàng ngày, hàng giờ phải lắng nghe việc triển khai thực tế như thế nào, giáo viên lên lớp có khó khăn gì.
Thời gian qua, các đơn vị của Bộ GD&ĐT đã kịp thời lắng nghe, trao đổi, gỡ khó cho địa phương, nhà trường, giáo viên. Tuy nhiên, việc này cần được làm ráo riết hơn nữa", Bộ trưởng nói.
Hạnh Nguyên/dantri.com.vn