Những ngày này, khi không khí Tết đã tràn ngập trong mỗi ngôi nhà, làng quê thì lòng người xa quê như những giáo viên cắm bản ở huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) cũng trào dâng bao nỗi niềm khắc khoải. Người nhớ cha, người nhớ mẹ, nhớ em và nhớ con đường nhỏ dẫn về mỗi xóm, mỗi làng. Bao nhiêu nỗi nhớ là bấy nhiêu nỗi niềm…
Ở lại biên giới, các thầy cô giáo huyện Mường Nhé còn tổ chức gói bánh chưng chung vui cùng bà con, dân bản.
Ngày 29 tháng Chạp, ngôi nhà nhỏ của gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Thể và cô giáo Nguyễn Thị Thương ở xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé vẫn phần nào lặng lẽ. Đồ đạc trong nhà đơn sơ, được sắp xếp gọn gàng. Trên chiếc bàn nhỏ ở góc nhà có một cành đào phai đã vài nụ hé nở.
Thấy chúng tôi chăm chú nhìn từng vật dụng trong nhà, cô Thương liền nói khẽ như để giãi bày nỗi niềm. Giọng cô Thương nhẹ nhàng: Ở nơi đây, trên biên giới xa xôi này việc đi lại với chúng em là cả một vấn đề. Bởi vậy, đồ dùng, thực phẩm cho ngày Tết chủ yếu là chúng em tự làm ra. Như gà nhà nuôi có vài con; trứng gà có sẵn; rau có ngoài vườn; đào thì xin ở trong bản… Còn các loại hoa tươi, cây quất cảnh thì không thể có.
Đã hơn 10 năm làm giáo viên cắm bản, nhiều lần ở lại trường đón Tết cùng học trò, đồng nghiệp và bà con các dân tộc biên giới nên chúng em cũng quen rồi với Tết đơn sơ!
Những ngày giáp Tết, cô giáo Nguyễn Thị Thương vẫn miệt mài bên trang giáo án. |
Để vợ và khách trò chuyện song dường như từng lời chị Thương đã chạm đến miền thẳm sâu trong trái tim người trai xa quê, khiến thầy Thể không thể không góp lời.
Giọng thầy Thể trầm buồn: Đã tự nhủ mình quen rồi, mình không buồn vậy nhưng khi nhìn cảnh từng người từng người cùng dãy tập thể mang ba-lô qua cửa nhà thì em chỉ có thể quay mặt. Lời chào muốn gửi mọi người mà sao nghẹn ngào lắm!
Cùng cảnh ở lại trường đón Tết như thầy Thể, cô Thương, với cô giáo Trần Thị Hằng, Trường Mầm non Hoa Ban, huyện Mường Nhé cũng chất chứa bao nỗi nhớ niềm mong gửi quê xa.
Cô Trần Thị Hằng tâm sự: 13 năm làm nghề gieo chữ ở huyện cực Tây Tổ quốc, tôi đã quen với rất nhiều Tết xa quê. Phần do hoàn cảnh, phần do sợ quãng đường xa gần nghìn cây số dặm trường nên tôi thường chọn ở lại đón Tết cùng học sinh và bà con dân bản.
Ở nơi đây, Tết tuy đơn sơ nhưng ấm áp tình người, bởi dẫu nghèo song bà con dân bản, phụ huynh, học sinh đều san sẻ đồ nhà làm và đến động viên, thăm hỏi thầy, cô giáo ở lại…
Hiểu thấu những nỗi nhớ niềm mong của những người đã không quản khó khăn lên biên giới gieo chữ và hiểu cả hy sinh của những người ở lại khi Tết đến xuân về, trước mỗi dịp Tết Nguyên đán, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đều tổ chức rà soát, lập danh sách giáo viên đăng ký ở lại trường.
Theo danh sách giáo viên đăng ký, Phòng và Ban Giám hiệu các trường xây dựng kế hoạch thăm, động viên giáo viên. Cùng với đó dành tặng các phần quà nhỏ bé đến các thầy, cô giáo ở lại.
Thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Tết Quý Mão này có khoảng 35% giáo viên toàn huyện ở lại trường đón tết, nhưng tình cảm, tấm lòng thầy cô dành cho bà con và học sinh thì vô bờ bến.
Để lấp đầy khoảng nhớ người thân, quê nhà, các thầy cô đều dành thời gian đến thăm từng nhà bà con trong bản; dành những phần quà nhỏ, như: bánh chưng, kẹo lạc do tự tay thầy cô làm để gửi tặng học trò. Ở nhiều trường, thầy cô còn góp tiền tổ chức gói bánh, làm cơm tất niên có sự chung vui của bà con dân bản. Bởi vậy mà, Tết với giáo viên cắm bản dù đơn sơ nhưng ấm áp tình người…
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/xuan-ve-voi-giao-vien-cam-ban-post735730.html