Vượt qua từng chướng ngại vật

Chủ nhật, 22.01.2023 | 10:06:36
634 lượt xem

Trong các "Cheveners" theo học thạc sĩ 1 năm (2022-2023) tại Vương quốc Anh, những tâm sự của Nguyễn Thành Vinh lập tức thu hút, thôi thúc tôi tìm hiểu về chàng trai này.

Vinh là một trong 19 gương mặt xuất sắc của Việt Nam giành được học bổng danh giá Chevening của Chính phủ Anh, đang học ngành Giáo dục đặc biệt tại Đại học Exeter.

"Từ một người ngỡ như phải dang dở việc học khi kết thúc cấp II, tôi đã vượt qua từng chướng ngại vật để trở thành mình của ngày hôm nay với vô vàn thử thách, nhưng cùng với đó cũng là bấy nhiêu bài học thật quý giá... Tôi thấy rằng lắm lúc những chông gai trên con đường đã qua không hẳn do ý muốn của riêng ai, chẳng qua đó chỉ là kết quả của sự thiếu thấu hiểu giữa tôi, một người học khiếm thị và thầy cô" - Vinh trải lòng.

1. Vinh cho biết từ năm 6 tuổi, anh đã xa gia đình, từ Long An lên TP HCM học nội trú tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Thiếu điểm tựa từ gia đình nên giai đoạn thanh thiếu niên của Vinh thật nhiều sóng gió. Vinh chống đối và trở thành một trong những học sinh gai góc nhất trường.

Năm lớp 9, Vinh suýt bị đuổi học. Chàng trai 28 tuổi bộc bạch: "Việc không được đi học đối với tôi lúc ấy không khác gì mọi nguồn vui sống bị cắt đứt. Tôi liền liều nhắn tin cho hiệu trưởng, năn nỉ thầy, hứa sẽ quyết tâm học tốt. Thầy không trả lời tin nhắn nhưng tôi được đi học tiếp".

Vượt qua từng chướng ngại vật - Ảnh 1.

Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew trao học bổng Chevening cho Nguyễn Thành Vinh ngày 8-9-2022 (Ảnh: Đại sứ quán Anh)

Được đi học cấp 3 với Vinh là một món quà quý. Do đó, Vinh quyết tâm thay đổi. Dù học chung với các bạn không khiếm thị nhưng Vinh vẫn bắt kịp, thậm chí nằm trong tốp học sinh có học lực hàng đầu của lớp.

"Tôi chưa bao giờ mất niềm tin vào bản thân, vẫn luôn tin tưởng rằng mình có năng lực, chỉ là chưa hoặc không chịu phát huy mà thôi. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến tôi lựa chọn học về giáo dục"- anh bày tỏ.

Lên lớp 12, với ước mơ tiếp tục con đường học vấn, Vinh quyết định đi học thêm. Việc luyện thi với Vinh giống như nhảy một bước rất xa - một học sinh trung tâm giáo dục thường xuyên lại học chung với rất nhiều bạn giỏi từ các trường điểm. Đơn độc trên con đường từ Trường Nguyễn Đình Chiểu đến trung tâm luyện thi, có lúc hoài nghi chính mình nhưng một khi đã quyết, Vinh luôn cố gắng hết sức.

Thường thì học sinh khiếm thị sẽ được xét tuyển vào một số ngành như tâm lý học, giáo dục đặc biệt... Tuy nhiên, do yêu thích tiếng Anh từ nhỏ vì luôn tò mò tìm hiểu về thế giới, Vinh muốn theo học ngành ngôn ngữ Anh. Vinh đã ôm hồ sơ "gõ cửa" từng trường đại học nhưng không nơi nào muốn nhận. Cuối cùng, tại Trường ĐH Tân Tạo, Vinh gặp được thầy hiệu phó Trần Xuân Thảo.

Vinh nhớ lại: "Tôi khẳng định với thầy rằng nếu được nhận vào học sẽ không là gánh nặng cho nhà trường vì đã có kỹ năng vượt qua khó khăn trong quá trình đi học cùng các bạn không khiếm thị. Sau đó, trường đã tổ chức hội đồng thi riêng cho tôi và tôi được nhận vào học ngành Ngôn ngữ Anh, đúng như mong ước".

2. Con đường học tập của Vinh nhận được sự tiếp sức của nhiều thầy cô, bạn bè. Một trong các "quý nhân" mà anh luôn nhắc đến với sự trân trọng là cô Jade - người Úc, làm việc tại Trường ĐH RMIT.

Khi Vinh học ở Trường ĐH Tân Tạo được 2 năm, cô Jade cho biết RMIT đang mở học bổng 100% cho các sinh viên khó khăn. Vinh đã thử vận may và trúng tuyển, học ngành Quan hệ công chúng.

Vượt qua từng chướng ngại vật - Ảnh 2.

Nguyễn Thành Vinh và bạn bè tại Đại học Exeter - Anh (Ảnh do nhân vật cung cấp)


 Anh giải thích: "Tôi muốn học về truyền thông vì nhận ra khi ở trường phổ thông, tôi gặp rất nhiều khó khăn do không tìm được tiếng nói chung với thầy cô, chứ không phải mình không có năng lực. Tôi hy vọng kiến thức về truyền thông có thể kéo gần khoảng cách giữa một người khuyết tật với những người xung quanh, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách với những đối tượng khác nhau trong xã hội".

Theo Vinh, RMIT đã giúp anh trưởng thành về tư duy. Sau khi tốt nghiệp, Vinh làm việc cho Tổ chức Giáo dục Ivy Prep rồi chuyển về làm tại Trường ĐH Tân Tạo. Năm 2019, Vinh quyết định nghỉ làm 2 năm để xin học bổng du học. "Tôi học truyền thông để làm giáo dục và đó là thời điểm tôi bắt đầu muốn chuyển dịch trọng tâm để mình có thêm kinh nghiệm trực tiếp trong mảng này" - anh lý giải.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập tới khiến kế hoạch xin học bổng du học của Vinh suýt trôi theo mây gió. 2020 là một năm cực kỳ khó khăn với Vinh, anh phải xài vào tiền tiết kiệm, thậm chí có lúc chỉ còn 200.000 đồng trong tài khoản.

"Cái khó ló cái khôn", Vinh tìm mọi cách thành lập lớp tiếng Anh online rồi nhận dịch tài liệu, nghiên cứu... Vinh còn lập ra nhóm ScriVi, tập hợp các bạn khiếm thị làm công việc "gỡ băng" - nghe ghi âm và gõ lại thành văn bản.

3. Chevening là một trong những học bổng khó đạt nhất, mỗi năm chỉ có hơn 10 người Việt Nam được nhận. Vốn có tình cảm đặc biệt với nước Anh, khi biết một trong những giảng viên mình mến mộ nhất ở RMIT, cô Nguyễn Hồng Hải Đăng, từng giành được học bổng danh giá này, Vinh càng phấn đấu.

Vinh chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm, dành 6 tháng để viết 4 bài luận theo yêu cầu. Tháng 8-2021, Chevening mới nhận hồ sơ nhưng anh đã chuẩn bị từ tháng 4. Trong thời gian này, cô Jude lại hỗ trợ Vinh rất nhiều. Có bài luận Vinh viết 6 lần mới hoàn thiện, cô vẫn kiên nhẫn theo từng bản nháp.

Qua các vòng tuyển chọn gắt gao, ước mơ của Vinh đã thành sự thật. Hiện nay, anh học tập, nghiên cứu tại Đại học Exeter. Vinh rất muốn sau khi du học về có thể đẩy mạnh phát triển Dự án Mentorship - phát triển bản thân có người đồng hành hướng dẫn, dành cho các bạn khuyết tật ở Việt Nam.

Làm trong lĩnh vực giáo dục, Vinh mong muốn là cầu nối cho sinh viên khuyết tật, rộng hơn là sinh viên có nhu cầu đặc biệt, với những nguồn lực hỗ trợ trong nhà trường và ngoài xã hội, tăng cường khả năng tự biện hộ... "Giúp đỡ người khác tôi mới thấy "đã", làm việc gì có ý nghĩa mới thích" - anh thổ lộ.

Với cột mốc tiếp theo mang tên Chevening trong hành trình phát triển bản thân, Vinh cảm thấy mọi cam go và gian khó đã qua đều vô cùng xứng đáng. Anh muốn nhắn nhủ mọi người đang từng ngày phấn đấu vượt khó, nhất là với các bạn cảm thấy việc học dần tuột khỏi tầm tay do nhiều thử thách bởi khuyết tật của bản thân, rằng hãy lắng nghe chính mình lên tiếng.

"Chỉ có mình mới hiểu rõ bản thân muốn gì, và mình sẽ chỉ thấy hạnh phúc sau chặng đường gian nan nếu như đã cố gắng theo đuổi những ước mơ từ tận trái tim mình chứ không phải ai khác. Con đường dẫn đến từng cột mốc ý nghĩa sẽ có thật nhiều chông gai thử thách nhưng hãy vượt qua từng trở ngại, đừng để hình dung của chính mình về những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua đó làm bản thân phải chùn bước"- Vinh chiêm nghiệm.

Nguyễn Thành Vinh mong muốn kết hợp kiến thức học được từ Đại học Exeter với những trải nghiệm của bản thân, nhằm tìm ra các phương cách thật thực tiễn, gần gũi, phù hợp bối cảnh giáo dục của các lớp học tại Việt Nam, “để kéo gần và thắt chặt hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa học sinh với thầy cô, đặc biệt là với những học sinh có nhu cầu đặc thù”.


DƯƠNG NGỌC

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/vuot-qua-tung-chuong-ngai-vat-20230118092419403.htm 

  • Từ khóa