Đừng xem thường trẻ em nói tục

Thứ 2, 27.02.2023 | 14:44:31
716 lượt xem

Đứng ở cổng trường chờ con tan học, chị Lan Anh sốc nặng vì học sinh nơi con chị học "chửi bậy như hát hay". Đây là ngôi trường có thành tích học tập tốt nên chị lựa chọn để gửi gắm cậu con trai.

Nhưng hóa ra chưa chắc học sinh giỏi đã không chửi bậy. Sau lần đứng ở cổng trường đó, chị Lan Anh nhất quyết về bàn với chồng xin chuyển trường cho con vì không muốn con bị nhiễm thói hư tật xấu từ bạn bè trong lớp, trong trường.

Thế nhưng, phụ huynh quả quyết như chị Lan Anh không nhiều. Phần đa các phụ huynh chấp nhận “sống chung với lũ” bởi biết rằng việc nói tục, chửi bậy trong học sinh, con em mình không hiếm. Chính các chuyên gia cũng nhìn nhận, học sinh, sinh viên, nhất là lứa tuổi mới lớn thường có sự nhầm tưởng về giá trị. Chúng cho rằng phải nói tục, chửi bậy mới sành điệu, lời nói mới có sức nặng, gây được sự chú ý. Những người bỗ bã, suồng sã mới chứng tỏ “chất chơi”, mới là người biết làm chủ tình thế, dân dã và mạnh mẽ... Thậm chí, nhiều người trẻ còn cho rằng, nói tục, chửi bậy là điều hiển nhiên vì họ được chứng kiến chính bố mẹ, ông bà mình cũng thường xuyên sử dụng những từ thô tục trong gia đình; nhiều khi câu chửi thành câu cửa miệng, không có gì phải xấu hổ. Có người ngụy biện rằng cuộc sống hiện đại, gấp gáp, con người phải chịu nhiều áp lực nên trong một số trường hợp, họ phải chửi bậy, chửi thề như một cách xả stress. Chưa kể, trên các trang mạng xã hội, những lời nói tục tĩu, thô thiển xuất hiện nhan nhản càng chứng tỏ sự hiển nhiên bất bình thường đó. Tiếc rằng, việc lạm dụng và coi nói tục, chửi bậy là hiển nhiên như thế sẽ tạo ra những hệ lụy đáng buồn. Đó là những người có ý thức kém, cục cằn, thô lỗ, là tiền đề cho một xã hội kém văn minh, ưa chuộng bạo lực.  

Đừng xem thường trẻ em nói tục
 Tranh minh họa: Báo Thanh niên

Thế nhưng nói tục, chửi bậy không phải là chuyện của riêng lứa tuổi học sinh, ngồi trên ghế nhà trường mà đang trở thành vấn đề của toàn xã hội. Dường như việc nói tục, chửi bậy chưa bị lên án đúng mức mà chỉ hời hợt vài lúc, vài nơi. Vì thế, nhận thức của đa số là coi việc sống trong môi trường bị ô nhiễm bởi những lời nói tục, chửi bậy là một lẽ dĩ nhiên, như một phần tất yếu của cuộc sống. Thậm chí, có nơi cũng hô hào hình thức về việc cần phải chú trọng rèn luyện lý tưởng, lẽ sống như "để quên" những đứa trẻ nói tục, chửi bậy. Họ quên mất rằng thế hệ trẻ cần được uốn nắn từ những hành vi nhỏ bé đời thường, từ lời ăn tiếng nói, từ thói quen ứng xử hằng ngày... Trẻ con như tờ giấy trắng, khi bị tiêm nhiễm về những thói quen ứng xử không chuẩn mực sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển. Khi nói tục, chửi bậy hằn sâu trong trí não cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới cách hành xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Vì thế, xã hội nói chung, gia đình, nhà trường nói riêng cần nhìn nhận rõ vấn đề này để có cách giáo dục thế hệ trẻ. Trước tiên người lớn cần làm gương, đúng mực, không lý thuyết suông, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ nói tục, nói sai. Bên cạnh đó, xã hội, cộng đồng cũng cần đưa chuẩn mực không nói tục, chửi bậy vào các bộ quy tắc ứng xử, phổ biến và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện.


HIỀN VINH

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/dung-xem-thuong-tre-em-noi-tuc-720115

  • Từ khóa