Nghị định triển khai Luật Giáo dục 2019: Bao quát và thiết thực

Thứ 7, 18.01.2020 | 08:06:13
654 lượt xem

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, do đó Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục là rất cần thiết. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên nắm chắc và am hiểu luật một cách tường tận, khi triển khai không bị bỡ ngỡ.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục cụ thể hóa nhiều chính sách với nhà giáo và HS, SV 

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục cụ thể hóa nhiều chính sách với nhà giáo và HS, SV


Làm sáng tỏ các vấn đề cụ thể mà luật quy định

Theo ý kiến nhiều cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục đã làm sáng tỏ các vấn đề cụ thể mà luật quy định.

Tất cả đều có chung quan điểm là Luật Giáo dục 2019 đã khắc phục cơ bản những bất cập của Luật Giáo dục 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2009. Tuy nhiên, một số quy định của Luật Giáo dục 2019 mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, cần phải có quy định cụ thể hơn để bảo đảm thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn. Chính Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục sẽ làm rõ, sáng tỏ thêm các vấn đề cụ thể mà luật quy định.

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ): Có thể thấy dự thảo Nghị định đã bao quát các vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay. Cụ thể là vấn đề chuyển đổi loại hình nhà trường từ trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; thời gian nghỉ hè của nhà giáo; phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, Giáo sư danh dự; học bổng khuyến khích học tập; học bổng chính sách; miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên…

 Nhà giáo Lê Xuân Bột


Qua đó đã làm rõ những vấn đề cốt yếu của Luật Giáo dục năm 2019 qua 7 vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục. Thứ hai, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 88/2014/QH13. Thứ ba, bổ sung loại trường tư thục không vì lợi nhuận và việc chuyển đổi loại hình trường tư thục sang trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; quy định cụ thể vị trí, chức năng, thành phần hội đồng trường. Thứ tư, quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học. Thứ năm, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm. Thứ sáu, quy định chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập. Thứ bảy, quy định về đầu tư và tài chính cho giáo dục.

Nhiều chính sách thiết thực với nhà giáo và học sinh, sinh viên

Nhà giáo Lê Xuân Bột chia sẻ: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục được ban hành sẽ giải quyết được các vấn đề căn cơ của Luật Giáo dục năm 2019. Cụ thể là bảo đảm tính phù hợp với quy định của Luật Giáo dục 2019, tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan; Nâng các quy định hiện hành về phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự, thời gian nghỉ hè của nhà giáo, học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách... đặc biệt là có nhiều quy định, chính sách thiết thực với nhà giáo và học sinh, sinh viên.

 Ảnh minh họa/ INT


Ở cương vị phụ huynh, ông Phạm Văn Út, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng (TP Cần Thơ) đồng tình với quy định về học bổng và miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên. Theo ông Út, dự thảo Nghị định đã nâng các quy định tại các văn bản trước đây thành các quy định của Nghị định và giữ ổn định mức học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách và quy định miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, ông Út rất quan tâm đến quy định thời gian nghỉ hè của nhà giáo.

Theo ông Út, dự thảo Nghị định đã đảm bảo sự ổn định trong việc thực hiện quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo; đã nâng các quy định về thời gian nghỉ hè của nhà giáo tại các thông tư trước kia thành các quy định của Nghị định; đồng thời, quy định căn cứ khung kế hoạch thời gian năm học do Bộ GD&ĐT ban hành và điều kiện cụ thể của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thời điểm nghỉ hè ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn; căn cứ điều kiện của trường trung cấp, trường cao đẳng, hiệu trưởng nhà trường quyết định thời gian nghỉ hè của nhà giáo… Đây là những quy định hết sức hợp lý, phù hợp với đặc thù của mỗi địa phương.

Ông Út cho biết, ông cũng ủng hộ quy định ưu đãi về học phí cho sinh viên sư phạm được luật quy định. Theo đó, trong quá trình học, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học cho sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp, cử nhân sư phạm không công tác trong ngành Giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn lại khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Đây cũng là quy định đáng chú ý nhất đối với những người đang là sinh viên sư phạm hoặc có ý định thi vào ngành sư phạm, ông Út nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nghi-dinh-trien-khai-luat-giao-duc-2019-bao-quat-va-thiet-thuc-4059207-b.html

  • Từ khóa