Tục mùng 3 Tết thầy vốn mang ý nghĩa tỏ lòng biết ơn thầy cô. Thế nhưng hiện nay, nhiều khi phong tục này lại bị biến tướng thành cơ chế "xin-cho".
Người xưa có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Cũng bởi vậy mà hàng năm, vào ngày mùng 3 Tết, không phân biệt già hay trẻ, địa vị sang hèn, cao thấp, các thế hệ học trò vẫn thường đến chúc Tết thầy cô, thể hiện lòng thành kính biết ơn. Trải qua những xoay vần biến chuyển của thời gian, không gian, tục Mùng 3 Tết thầy trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong tâm thức người Việt. Nhưng trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, phong tục này cũng đang có những biến đổi.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã có những trao đổi với VOV.VN về tục Tết thầy đầu năm.
PGS.TS Lê Quý Đức nói về tục Tết thầy mùng 3 Tết hàng năm. |
PV: Phong tục “Mùng 3 Tết thầy” có ý nghĩa như thế nào trong đời sống văn hóa của người Việt, thưa thầy?
PGS.TS Lê Quý Đức: Đến nay cũng không có tài liệu nào ghi chép lại Tục “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” có từ bao giờ. Nhưng có lẽ phải đến khi có một nền giáo dục, chữ viết chính thức, đạo lý tôn sư trọng đạo cũng như tục này mới được hình thành.
Tư tưởng tôn sư trọng đạo gắn liền với Nho giáo, giáo dục ngay từ thời Khổng Tử. Sau này, dưới thời Bắc thuộc, khi Nho giáo được truyền bá vào nước ta, dần dần người Việt đã tự xây dựng cho mình một nền giáo dục riêng. Mà đánh dấu bằng sự ra đời của Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của nước ta. Như vậy, tôi cho rằng, tục mùng 3 Tết thầy, có thể có ở nước ta từ khoảng thế kỷ 10, 11, khi nhà Lý tổ chức nền giáo dục chính thống, có khoa cử, tạo nên truyền thống hiếu học, đi kèm với đó là đạo lý tôn sư trọng đạo của Nho giáo nói chung và người Việt nói riêng.
Trong Nho giáo có 3 tư tưởng, triết lý nhân sinh quan trọng nhất là “quân, sư, phụ”. Tức đối với vua phải trung thành, với thầy phải kính trọng, cha mẹ phải hiếu thảo. Đây được coi như 3 đạo lý hàng đầu tạo nên phẩm chất của một người quân tử trong xã hội phong kiến. Nếu thiếu một trong 3 điều này, thì đều không thành người.
Mặc dù dân gian có câu, mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy, thế nhưng trong Nho giáo, chữ “sư” còn đứng trước chữ “phụ”, tức chữ “kính” thầy còn nặng hơn chứ “hiếu’ với cha mẹ.
Ngoài ý nghĩa về mặt đạo đức, ứng xử trong xã hội, tục Tết thầy mùng 3 cũng có ý nghĩa kinh tế riêng. Xưa kia, thầy đồ không có lương, trừ những thầy dạy trong Quốc Tử giám hay các tỉnh, lộ, được Nhà nước trả bằng thóc gạo, ở các làng quê, thầy đồ không có lương, làng xã vẫn góp gạo nuôi thầy. Việc đi Tết thầy ngoài tỏ lòng kính trọng còn là cách để bù đắp một phần công sức dạy dỗ của người thầy, nên ngày Tết học trò xưa có con gà, đấu gạo nếp vẫn mang biếu thầy.
Tết là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm, khi mọi người tỏ lòng thành kính biết ơn tổ tiên, trời đất đã cho một năm bình an, mưa thuận, gió hòa, đi Tết thầy thể hiện lòng biết ơn với những người đã cho mình tri thức. Xã hội xưa quan niệm rằng, một người phải biết trọng thầy, trọng tri thức, trọng đạo lý, trọng văn thì mới có thể thành người tốt. Ý nghĩa của tục Tết thầy có lẽ sẽ được lưu truyền mãi, nhưng mỗi thời đại, lại có những điểm khác nhau.
PV: Bản thân vừa là một người thầy, nhưng cũng đã từng là học trò, Tết thầy để lại trong thầy những kỷ niệm nào đặc biệt?
PGS.TS Lê Quý Đức: Tôi vẫn nhớ ngày nhỏ đi học, có lần đi đường thấy một đám các em lớp sau khoảng 4, 5 đứa, cùng nhau cầm một quả trứng gà rất nâng niu, đi nhễ nhại dưới trời nắng để thăm cô giáo ốm. Xưa kia, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, món quà của học sinh đôi khi chỉ đơn giả là quả trứng gà, bát gạo, nhưng chính tình cảm chân thành lại khiến thầy cô cảm động.
Đến những năm 90 của thế kỷ trước, có giáo sư kể vui với tôi rằng, ngày 20/11 không phải là ngày hiến chương các nhà giáo mà phải là ngày “hiến cam”, bởi khi ấy cam rẻ lắm, đổ đống bán đầy đường, quà tặng các thầy cô chủ yếu là cam.
Xưa kia tôi đi học, Tết đến thăm thầy cũng chỉ có cái bánh chưng nhà tự gói.
Đến nay, tôi vẫn có những sinh viên cũ cứ Tết lại dẫn cả vợ chồng con cái đến thăm thầy. Có em nói với tôi rằng thầy sống em theo Tết, chết em theo giỗ.
Thầy dạy tôi đã mất cách đây gần 20 năm, nhưng đến nay tôi vẫn đến nhà thầy thắp hương mỗi dịp giỗ chạp. Không biết tại sao, nhưng khi tới thắp hương cho thầy, lòng thấy thoải mái lắm, đứng trước ảnh thầy, tôi vẫn khoe rằng một năm nay làm được những gì, hướng dẫn được bao nhiêu học trò làm việc này việc kia.
Giờ nhà tôi vẫn còn giữ nguyên bản luận văn tốt nghiệp đại học mà 50 năm trước PGS Bùi Duy Tân – thầy dạy tôi chữa cho. Ngày còn đi học, thầy bắt viết tay, cách dòng, để thầy sửa từng chữ một, đến khi đi dạy, tôi cũng vẫn tiếp thu tư tưởng của thầy. Nhiều học trò làm luận án Tiến sĩ, tôi bắt chữa đi chữa lại, nhưng vẫn phải thanh minh với các em rằng thầy làm điều này để tốt cho các em hơn chứ không phải để lấy phong bì.
Bản thân mình vẫn giữ truyền thống tôn sư trọng đạo, nhiều học trò của tôi còn rất trẻ, nhưng vẫn kính trọng thầy, chứng tỏ đạo lý này vẫn được lưu truyền trong xã hội ngày nay.
PV: Trong bối cảnh xã hội có nhiều thay đổi, tục Tết thầy liệu có còn giữ nguyên những nét văn hóa xưa không, thưa thầy?
PGS Lê Quý Đức: Hiện nay, chúng ta vẫn giữ nguyên được đạo lý tôn sư trọng đạo, nhưng trong thời kỳ mới, tục Tết thầy xưa ít nhiều có biến tướng.
Ngày nay, học sinh không chỉ học trên trường lớp, mà còn học qua không gian mạng với khối kiến thức khổng lồ. Xưa trò có thể học 1 thầy từ bậc Tam tự kinh đến khi thi đỗ trạng nguyên. Ngày nay, một trò học hàng chục, thậm chí hàng trăm thầy khác nhau. Bởi vậy mà mối quan hệ giữa thầy trò cũng có nhiều thay đổi.
Những yếu tố kinh tế, xã hội nhiều khi cũng tác động khiến phong tục Tết thầy ngày nay cũng có nhiều biến tướng, trở thành “mua chuộc” thầy, “mua bằng”, “bán điểm”. Bản thân nhiều người thầy cũng cũng lợi dụng tục xưa, nghĩ rằng bố nó tham nhũng, kiếm được tiền, có dạy thêm dạy nếm, gây khó dễ rút ít tiền cũng là để cân bằng, điều tiết xã hội.
Trong nhiều gia đình, bố mẹ không chịu tìm cho con thầy tốt để học, mà ném tiền để mua bằng, mua điểm cho con, thậm chí chính bố mẹ cũng đi mua bằng cấp. Có sinh viên từng đến đưa phong bì xin tôi rồi nói, em bận đi làm, không học, nên thầy cho em xin 9, hoặc 10 điểm, nhưng tôi từ chối, đánh trượt thẳng tay. Nhiều người nghĩ rằng có tiền có thể sai khiến thầy làm việc này việc kia. Những đạo lý trong xã hội cũng từ đó mà dần bị đảo lộn.
Nhưng cũng phải nhìn lại rằng, lương giáo viên hiện nay rất thấp, có những giáo viên hợp đồng đi dạy hàng chục năm nay lại phải thi lại, hoặc bị mất việc. Bản thân tôi là thầy, nhưng nhiều khi cũng phải thừa nhận rằng vị thế người thầy đôi khi rất thấp kém. Lương giáo viên cấp 1, cấp 2 rất thấp. Tôi vẫn nhớ thời kỳ bao cấp, đi công tác đến một huyện nọ, họ trưng ra biển phân phối hàng hóa ghi chỉ bán cho cán bộ công chức, không bán cho giáo viên.
Hiện nay, chúng ta vẫn rất đau lòng khi nghe được những câu chuyện như chỗ này chỗ kia có cô giáo xinh phải đi tiếp khách. Chính cách đối xử đó của xã hội khiến địa vị giáo viên bị hạ thấp.
Những hành động đút lót, quan hệ tiền bạc khiến một bộ phận người thầy bị tha hóa, phong tục truyền thống xưa cũng không còn được nguyên vẹn.
PV: Xin cảm ơn thầy!/.
Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/dung-de-tuc-tet-thay-thanh-mua-bang-ban-diem-1002622.vov