Đào tạo giáo viên phải thấm nhuần đạo đức nghề nghiệp

Thứ 3, 28.01.2020 | 15:31:36
510 lượt xem

Một giáo viên đứng lớp sẽ được đào tạo và bồi dưỡng theo 3 quá trình chính: Đào tạo tại các cơ sở đào tạo giáo viên; bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục mà mình công tác; tự nâng cao kiến thức chuyên môn.

Như vậy, giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức phải là nỗ lực tự thân của mỗi nhà giáo; đồng thời với đó còn có trách nhiệm của cơ sở đào tạo giáo viên, các cấp quản lý giáo dục… 

Giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức phải luôn là nỗ lực tự thân của mỗi nhà giáo Giữ gìn, nâng cao phẩm chất đạo đức phải luôn là nỗ lực tự thân của mỗi nhà giáo

Cần bổ sung nội dung, học phần về giáo dục đạo đức

Nhận định hiện tượng một bộ phận giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo là có một phần trách nhiệm của các cơ sở đào tạo giáo viên, PGS.TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội – cho rằng: Trong chương trình của nhiều cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay chưa chú ý đúng mức tới các nội dung giáo dục đạo đức, còn thiên về dạy học kiến thức chuyên môn, chưa dành thời gian thỏa đáng cho hoạt động trải nghiệm thực tập tại trường phổ thông.

Do đó, nhiều giáo viên tương lai chưa biết rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với học sinh, cha mẹ học sinh hay các đối tác giáo dục khác. Như vậy, trong chương trình đào tạo giáo viên cần bổ sung các nội dung, học phần về giáo dục đạo đức. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là hình thức tổ chức các học phần này cần phải theo hướng rèn kĩ năng, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở giáo dục phổ thông và ứng dụng triệt để các phương tiện CNTT để giảm thiểu thời gian dạy lý thuyết, tăng thời gian thực hành và trải nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Chí Thành chia sẻ: Trường ĐH Giáo dục là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên đầu tiên triển khai học phần “Quy tắc đạo đức nhà giáo” trong chương trình đào tạo Cử nhân sư phạm. Triết lý đào tạo của học phần này là đạo đức được hình thành thông qua rèn luyện, phản tỉnh thông qua các tấm gương đạo đức là các thầy cô hay các nhân vật điển hình trong xã hội.

Chính vì vậy, trong chương trình đào tạo học phần, bên cạnh các nội dung lý thuyết người học tự tìm hiểu, nghiên cứu, thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin, thì việc trải nghiệm, triển khai các dự án về đạo đức tại các trường phổ thông là một nội dung chiếm thời lượng lớn trong chương trình đào tạo.

Giúp giáo viên nhận thức đúng hơn về đạo đức nghề nghiệp

Nói đến đạo đức nhà giáo, theo NGƯT Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nhà trường đã xây dựng Quy chế hoạt động của đơn vị, trong đó triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong cơ quan và Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục phổ thông. Tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên phải thực hiện quy tắc ứng xử đó và mỗi nhà giáo đã tự ý thức được đạo đức nghề nghiệp mình phải thực hiện.

Bên cạnh đó, Trường THPT Sơn Tây luôn chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong công tác dạy - học và các hoạt động giáo dục khác; chú trọng hành vi ứng xử giao tiếp, sự quan tâm chăm lo đến học sinh. Các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chuyên đề về kỹ năng giao tiếp, ứng xử và giải quyết tình huống sư phạm cho các thầy cô giáo thường xuyên được tổ chức. Đây là những giải pháp thiết thực để nâng cao đạo đức nhà giáo.

Hàng năm, khi triển khai nhiệm vụ năm học, Ban giám hiệu nhà trường phổ biến đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các văn bản của ngành liên đến đạo đức nhà giáo; thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục. Ban giám hiệu nhà trường đồng thời thường xuyên nhắc nhở, chia sẻ kinh nghiệm về cách xử lý tình huống sư phạm xảy ra trong thực tiễn.

Qua đó, giúp giáo viên nhận thức đúng hơn về đạo đức nghề nghiệp. Khi phát hiện giáo viên có biểu hiện “lệch chuẩn”, Công đoàn nhà trường sẽ gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tâm tư, tình cảm của giáo viên. Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo nhà trường trao đổi, định hướng để giáo viên nhận ra và điều chỉnh hành vi cho phù hợp với yêu cầu của nhà trường, ngành Giáo dục đặt ra.

“Đạo đức nhà giáo có vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào chất lượng, kết quả giáo dục và nâng cao vị thế của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay. Các thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương để mọi thế hệ học trò noi theo.

Để làm tròn sứ mệnh cao cả “trồng người”, mỗi nhà giáo phải luôn tu dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng với sự tôn vinh và niềm tin yêu của xã hội. Thực tế cho thấy, các học trò giỏi đều trưởng thành từ ngôi trường có nhiều thầy, cô tâm huyết và có đạo đức nghề nghiệp, hết lòng phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục” – NGƯT Lương Quỳnh Lan nêu quan điểm.

Hải Bình/gdtd.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/dao-tao-giao-vien-phai-tham-nhuan-dao-duc-nghe-nghiep-4061486-b.html


  • Từ khóa