Học sinh khối ngoài công lập thực hiện nghỉ học phòng chống dịch bệnh nCoV như các trường công lập. Tuy nhiên, học sinh nghỉ học đồng nghĩa với nguồn thu bấp bênh trong khi các chủ trường vẫn phải chi trả lương cho GV, thuê mặt bằng trường lớp, các khoản chi phí phát sinh… đòi hỏi sự chung tay, chia sẻ từ nhiều phía.
GV khử trùng lớp học trước ngày đón HS trở lại
Thiệt hại không mong muốn
Bà Lê Thị Thơm – Hiệu trưởng Trường MN Ngôi sao mới New Star Kids - Dịch Vọng (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ: Trường có hơn 70 HS và 17 cán bộ, GV, nhân viên. Hàng tháng phải trả gần 50 triệu đồng để thuê mặt bằng và các khoản chi lương, thưởng, thực phẩm… Trong những ngày HS nghỉ phòng chống dịch bệnh theo thông báo chung của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhà trường sẽ trừ khoản học phí tương ứng với ngày học.
Bà Nguyễn Hoài Thu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Chích Bông – Nghĩa Đô (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng bộc bạch: Mọi thứ ngừng hoạt động, không có thu nhưng nhà trường vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng trường lớp, các khoản chi như khi trường đang hoạt động bình thường. Thậm chí nhiều khoản phát sinh hơn cho việc khử trùng, vệ sinh trường lớp…
Các trường ngoài công lập phải tự vận động, lo liệu tất cả mọi thứ để bảo đảm hoạt động. Chính vì vậy, nếu lương của GV tháng này không được 100% mong GV thông cảm và chia sẻ với khó khăn hiện tại của nhà trường. Ngành nghề nào cũng thiệt hại, nhưng đội ngũ GV ngoài công lập sẽ thiệt hại nặng hơn so với GV các trường công lập. Khi không có HS đến trường, nhà trường không có khoản thu để trả GV đầy đủ như lúc đủ HS đi học. Hiện tại Trường MN Chích Bông có hơn chục GV, và trên dưới 70 HS. Những ngày này, trường vắng bóng hoàn toàn HS chỉ có GV tới trực trường và làm công tác dọn dẹp. Bà Nguyễn Hoài Thu
Bà Thu cho biết tuần từ 3 - 9/2/2020, HS của trường nghỉ học theo quy định toàn thành phố song đội ngũ GV vẫn được huy động đến trường làm công tác khử trùng, quét dọn lại trường lớp. Vì vậy, việc trả lương cho tuần nghỉ dạy vẫn được tiến hành bình thường. Tuy nhiên nếu phải nghỉ phòng chống dịch thêm tuần nữa, trường sẽ căn cứ theo tình hình thực tế để áp dụng trả lương GV hợp lý nhất.
Trường Tiểu học và THCS Everest là trường ngoài công lập có quy mô và sĩ số HS thuộc diện lớn của quận Cầu Giấy (Hà Nội). Thực hiện quy định của Sở, trường cũng vắng HS chỉ có GV tới trường làm công tác vệ sinh khử trùng trường lớp.
Ông Nghiêm Nhật Anh – Giám đốc điều hành nhà trường chia sẻ: Thiệt hại do HS nghỉ học phòng dịch bệnh là khách quan mang lại và không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu tính toán thiệt hại theo quy mô của gần 1.000 HS (TH: 750 HS, THCS: 200 HS) và những chi phí cho cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chi trả tiền lương cho 150 cán bộ, GV, nhân viên, mỗi tuần cũng tốn vài trăm triệu. Nếu HS nghỉ 2 tuần liên tiếp, Trường Tiểu học và THCS Everest “rơi” mất tiền tỷ.
Ảnh minh họa/ INT |
Nhà trường, giáo viên cùng chia sẻ
Trên diễn đàn mạng và đặc biệt nhóm Hội chủ trường – Hiệu trưởng MN; Hội giáo viên MN tư thục miền Bắc… nhiều tâm tư từ phía nhà quản lý và GV được chia sẻ. Phía chủ trường thì băn khoăn, chia sẻ khó khăn nếu nghỉ dài không có nguồn thu từ học phí thì trả lương ra sao cho GV; Trả đủ hay phải trả 50%, trả lương cơ bản? Còn với người lao động, người mong muốn được trả đủ lương vì vẫn phải tới trường; người lại chấp nhận chia sẻ khó khăn cùng nhà trường trong trường hợp chỉ nhận lương cơ bản hoặc 50% lương so với bình thường…
Bà Lê Thị Thơm – Hiệu trưởng Trường MN Ngôi sao mới New Star Kids cho rằng: Mỗi trường có cách tính giảm trừ học phí và lương cho GV khác nhau trong những ngày nghỉ phòng chống dịch bệnh. Nhưng thiệt hại, tổn thất là đến với toàn xã hội chứ không chỉ riêng ngành nào, trường nào. Các trường ngoài công lập cũng phải gánh chịu chung.
“Chủ trường nào không cho GV hưởng lương cần nhìn nhận lại trên tâm thế của người lao động. Nên chịu thiệt thòi một chút để đảm bảo được quyền lợi của người lao động. Nghỉ 1 - 2 tuần mà không cho GV hưởng lương thì lấy gì để sống? Mặt khác, cho GV hưởng lương một cách hợp lý cũng là cách giữ chân người lao động khi hoạt động bình thường trở lại. Với những GV có trình độ, tâm huyết, yêu nghề mến trẻ càng cần có chế độ đãi ngộ tốt dù chủ trường phải chịu thiệt thòi ít nhiều…”, bà Thơm bày tỏ quan điểm.
Điều mà bà Thơm mong muốn, chủ cho thuê mặt bằng trường lớp có thể san sẻ cùng với nhà trường trong lúc “nước sôi lửa bỏng”. Có thể giảm bớt tiền thuê, nhà trường sẽ có điều kiện hơn trong việc chi trả lương của GV.
Cô giáo Đinh Thị Hương Giang – Trường MN Trăng Đỏ, phường Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: Quản lý nhà trường chưa nói tới việc trừ lương hay trả bao nhiêu phần trăm lương của tháng này. Tuy nhiên nếu nhà trường “có lời” trong việc trả lương thấp hơn, chúng tôi cũng thông cảm, chia sẻ, tạo điều kiện cho nhà trường trong lúc khó khăn. Tôi đi làm được hơn 3 năm, lương sau trừ các khoản còn hơn 5 triệu. Nếu trường có trừ một nửa thì tôi cũng vui lòng. Chỉ mong sao bệnh dịch sớm được khống chế để HS trở lại trường lớp. HS nghỉ học, chúng tôi cũng rất nhớ nghề, nhớ trẻ…
Cô giáo Nguyễn Lan Hương – Trường MN Ngôi sao mới (Cầu Giấy - Hà Nội) tâm tư: Ban đầu cũng “hoang mang” không biết lương được trả bao nhiêu? Có được trả không khi HS tạm nghỉ học, nhà trường không có nguồn thu. Tuy nhiên, chúng tôi đã yên tâm hơn khi nhà trường cho biết trường chỉ trừ 50% lương.
Lương bình thường của cô Nguyễn Lan Hương được gần 8 triệu. Như vậy, lương bị trừ cuộc sống sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, cô Hương cho rằng: “Mình phải có trách nhiệm chia sẻ với xã hội, nhà trường trong những thiệt hại không mong muốn. Mong dịch bệnh sớm qua để hoạt động trường lớp được trở lại bình thường, người lao động cũng yên tâm ổn định cuộc sống…”.
Ông Nghiêm Nhật Anh - Giám đốc điều hành Trường TH&THCS Everest cũng khẳng định: Trường chưa quyết định việc trả lương cho GV trong những ngày nghỉ dịch bệnh một cách cụ thể. Song tính toán thế nào cũng phải đảm bảo việc trả lương dựa trên thỏa thuận hoặc lương cơ bản. Mặt khác, nếu thời điểm kết thúc năm học kéo dài hơn so với quy định, GV phải dạy bù nhà trường vẫn trả thêm chứ không để GV thiệt thòi.
BGH nhà trường quan điểm đây không phải là rủi ro mang tính định kỳ, nó như “tai bay vạ gió” nên doanh nghiệp phải chấp nhận thiệt hại. Trường sẽ tính toán, cân nhắc trên thực tế để có cách ứng xử phù hợp, không tạo ra những phản ứng từ phía GV. Nhà trường mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để hoạt động dạy và học trở lại. Ông Nghiêm Nhật Anh
Đức Trí/gdtd.vn