Sinh viên kế toán mới ra trường gặp khó khăn khi xin việc

Chủ nhật, 03.11.2024 | 14:43:25
293 lượt xem

Nhiều sinh viên kế toán mới ra trường gặp khó khăn khi ứng tuyển, hầu hết không đáp ứng được yêu cầu do chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp, bỡ ngỡ khi vận dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Thông tin trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo khoa học Quốc gia về kế toán và kiểm toán -VCAA 2024 với chủ đề "Các vấn đề đương đại trong Kế toán & Kiểm toán", do Trường ĐH Thương mại phối hợp tổ chức ngày 2/11 tại Hà Nội.

Hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, nghiên cứu, giảng viên, nghiên cứu sinh gặp gỡ, trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức trước bối cảnh của nền kinh tế số và hội nhập quốc tế.

Sinh viên kế toán mới ra trường gặp khó khăn khi xin việc - 1

PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, trao cờ luân lưu cho Trường ĐH Nha Trang, đơn vị tổ chức hội thảo năm 2025 (Ảnh: M. Hà).

Bỡ ngỡ khi đưa lý thuyết vào thực tiễn

Theo nghiên cứu, đánh giá của nhóm TS Lê Thị Bảo Như (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường ĐH Sài Gòn) và các cộng sự, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm rất nhiều cho tất cả các lĩnh vực nhưng sinh viên thật sự đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của các nhà tuyển dụng không cao, trong đó có sinh viên lĩnh vực kế toán.

Phần lớn sinh viên mới ra trường gặp khó khăn khi tham gia tuyển dụng. Các em không đáp ứng được các yêu cầu công việc do chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp, bỡ ngỡ khi vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, chưa thích ứng kịp với môi trường làm việc chuyên nghiệp...

Vậy nên, nguồn nhân lực kế toán trong lĩnh vực công nói riêng, hiện vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng.

Sinh viên kế toán mới ra trường gặp khó khăn khi xin việc - 2

Sinh viên Trường ĐH Thương Mại đến học tập, cọ xát thực tế tại doanh nghiệp (Ảnh: M. Hà).

Tập trung lý thuyết, ít chú trọng thực hành

Cũng theo nghiên cứu của TS Như và các cộng sự, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên, trong đó chương trình đào tạo kế toán của các trường đại học hầu như tập trung vào lý thuyết, ít chú trọng đến thực hành.

Cụ thể, ngoài kiến thức nền tảng, yêu cầu của một nhân viên kế toán còn cần các kỹ năng hỗ trợ như: Công nghệ thông tin, khả năng sử dụng ngoại ngữ..., để thao tác trên các ứng dụng khai báo thuế điện tử, sử dụng phần mềm kế toán hay chữ ký số...

Ngoài ra, một số giảng viên kế toán chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế nên chỉ tập trung giảng dạy lý thuyết, ít chú trọng đến những vấn đề phát sinh hay gặp trong thực tế các đơn vị, doanh nghiệp.

Đặc biệt, các chương trình đào tạo kế toán chủ yếu nghiêng về kế toán doanh nghiệp, chỉ đào tạo một phần nhỏ kế toán hành chính sự nghiệp. Số lượng các trường đào tạo chuyên ngành kế toán công rất ít.

Do đó, sau khi tốt nghiệp và được tuyển dụng vào các đơn vị hành chính sự nghiệp, phần lớn các sinh viên lúng túng, quên kiến thức, khó bắt đầu công việc ngay mà cần phải đào tạo lại.

Sinh viên kế toán mới ra trường gặp khó khăn khi xin việc - 3

Học viên ngành kế toán tại các trường trung cấp được đào tạo những kỹ năng sát với thực tế công việc (Ảnh: Tùng Nguyên).

Cần đổi mới từ các trường đại học

Thống kê mới nhất, ngành kế toán - kiểm toán hiện đang được khoảng 128 trường đại học đào tạo, với quy mô hơn 92.000 sinh viên.

Mặc dù vậy, theo thống kê, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán còn khá hạn chế. Sinh viên mới ra trường vẫn rất khó khăn trong tìm việc làm.

Theo TS Hồ Xuân Thủy, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, để thích ứng với môi trường làm việc toàn cầu, nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán cần hội đủ các yếu tố về kiến thức, kỹ năng chuyên môn chuẩn quốc tế.

Nhân lực kế toán phải được đào tạo theo chuẩn quốc tế có trình độ cao, có kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, ngoại ngữ tốt, thích nghi với môi trường làm việc quốc tế.

"Trước những thay đổi trong hội nhập, các trường đại học phải có sự đổi mới về chương trình đào tạo, nội dung và phương pháp đào tạo để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực kế toán - kiểm toán có chất lượng cao chuẩn quốc tế.

Một trong những xu hướng nổi bật là các trường đại học tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp (CCNN) quốc tế trong chương trình đào tạo", TS Thủy cho biết.

Cũng với góc nhìn trên, nhóm nghiên cứu của TS Như và các cộng sự cũng đề xuất các đơn vị đào tạo cần tiếp tục đổi mới, cải tiến nội dung chương trình đào tạo, phương thức đào tạo và cả cách thi cử, kiểm tra đánh giá sao cho theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu mới.

Đối với đơn vị tuyển dụng, cần chủ động kết nối, phối hợp với nhà trường trong đào tạo và tạo việc làm cho sinh viên.

Đối với sinh viên nói chung và sinh viên kế toán nói riêng, ngoài nền tảng kiến thức tốt, các em cần thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ, tự rèn luyện kỹ năng mềm thông qua các hoạt động ngoại khóa hay đoàn hội ở trường.

Đặc biệt, các em không e ngại khi được giới thiệu thực tập ở các cơ quan, không phải doanh nghiệp, biết lắng nghe để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị tuyển dụng.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-ke-toan-moi-ra-truong-gap-kho-khan-khi-xin-viec-20241101221214416.htm

  • Từ khóa