Sinh viên khiếm thị đầu tiên đỗ đại học, học tới tiến sĩ

Thứ 3, 17.12.2024 | 15:17:01
71 lượt xem

Huang Ying (29 tuổi) là một nhân vật truyền cảm hứng đối với truyền thông và công chúng Trung Quốc. Huang bị mất thị lực từ năm 2 tuổi sau một cơn sốt.

Dù bị khiếm thị, nhưng Huang luôn thể hiện thái độ sống lạc quan, tích cực. Cô có thể tự làm hầu hết mọi việc.

Những nội dung Huang chia sẻ trên mạng xã hội về việc học và cuộc sống cá nhân rất thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Huang được nhìn nhận như một nhân vật truyền cảm hứng từ năm 2015, khi cô vượt qua kỳ thi đại học đầy áp lực và cạnh tranh tại Trung Quốc.

Sinh viên khiếm thị đầu tiên đỗ đại học, học tới tiến sĩ - 1

Huang Ying (trái) bên người bạn cùng phòng Che Meng (Ảnh: SCMP).

Huang đỗ vào trường Đại học Công nghệ Vũ Hán (WUT) và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên tại xứ tỷ dân trúng tuyển vào một trường đại học danh tiếng bằng cách tham gia kỳ thi đại học.

Tại Trung Quốc, nhìn chung những học sinh khiếm thị thường dừng việc học sau khi tốt nghiệp trung học và chuyển sang học nghề. Việc Huang Ying theo đuổi con đường học vấn là một câu chuyện đáng chú ý.

Vì có kết quả tốt trong quá trình học đại học, Huang Yi được học thẳng lên tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vũ Hán mà không cần tham gia kỳ thi đầu vào. Hiện cô theo học chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành quản lý giáo dục.

Cuộc sống của Huang Yi trong ký túc xá cũng rất thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Huang ở cùng phòng với nữ sinh viên Che Meng. Che từng xuất hiện trong một số video của Huang, cô cho biết bản thân rất ngưỡng mộ năng lực tự xoay xở của Huang trong cuộc sống thường ngày.

"Thoạt tiên, tôi nghĩ mình sẽ cần giúp đỡ Huang rất nhiều khi đôi bên sống chung phòng, nhưng sau khi quan sát cách thức sinh hoạt của cô ấy, tôi nhận ra rằng cô ấy chỉ không nhìn được thôi, còn hầu như tất cả mọi việc, cô ấy đều có thể tự làm được", Che cho hay.

Huang Ying cho biết cô thấy mình may mắn khi được sắp xếp ở chung phòng với Che Meng. Hai người rất ăn ý với nhau và luôn cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau.

"Hầu hết mọi người đều cảm thấy có phần ái ngại, không thoải mái khi tương tác với người khiếm thị, nhưng Che không như vậy, cô ấy thực sự vui vẻ, thoải mái khi ở bên cạnh tôi. Chúng tôi có thể cùng nhau làm mọi việc và đi chơi với nhau rất vui vẻ. Cô ấy không nhìn nhận tôi là một người khiếm thị cần được giúp đỡ, mà coi tôi như một người bạn thực sự", Huang cho biết.

Sinh viên khiếm thị đầu tiên đỗ đại học, học tới tiến sĩ - 2

Huang Ying trong lễ nhận bằng cử nhân (Ảnh: SCMP).

Tình cảm chân thành của Che Meng khiến Huang Ying rất xúc động. Chẳng hạn, khi mùa xuân tới, Che rủ Huang ra ngoài đạp xe, Che ngồi ở phía trước và gắng sức đạp để Huang ngồi phía sau cảm nhận những làn gió xuân ấm áp đang về.

"Cô ấy nói muốn tôi cảm nhận được những làn gió xuân để có được tinh thần tự do, phóng khoáng và dịu dàng như những làn gió ấy, tôi rất cảm động trước tấm lòng của Che", Huang chia sẻ trong một video.

Trên mạng xã hội, Huang Ying chia sẻ những nội dung cho thấy cách cô tự xoay xở với các công việc khác nhau trong cuộc sống thường ngày, như đi dạo, sang đường, mua sắm, trang điểm, thậm chí là tự đi khám bệnh.

Trong một số video, Huang và Che cùng nhau đạp xe, chạy bộ và chơi đàn piano. Huang cho biết cô tích cực sử dụng mạng xã hội để giúp cộng đồng hiểu hơn về cuộc sống của người khiếm thị và truyền cảm hứng cho những người khuyết tật mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-khiem-thi-dau-tien-do-dai-hoc-hoc-toi-tien-si-20241216100720099.htm

  • Từ khóa