Hơn 20.000 sinh viên sẽ học tập tại làng đại học lớn nhất Việt Nam ở Hòa Lạc vào cuối năm 2025.
Thông tin trên được đưa ra tại lễ khởi công xây dựng Trường ĐH Công nghệ giai đoạn 1 thuộc dự án "Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐH Quốc gia Hà Nội", ngày 24/12.
Công trình được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước, dự kiến hoàn thành sau 13 tháng, đáp ứng chỗ học cho khoảng 4.400 sinh viên.
Theo kế hoạch, khoảng tháng 1/2025, các hạng mục thành phần thuộc dự án "Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội" (ĐHQGHN) là Trung tâm Thư viện & Tri thức số, khu Viện nghiên cứu liên ngành sẽ được khởi công xây dựng.
PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: M. Hà).
Trả lời phóng viên Dân trí sáng nay, PGS.TS Nguyễn Hiệu, Phó Giám đốc ĐHQGHN, cho biết sau khi tòa nhà này hoàn thành, sẽ có tổng số học sinh, sinh viên học tập ở khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc đến cuối năm 2025 dự kiến hơn 20.000, gồm sinh viên năm nhất tất cả trường.
Sau hơn 2 năm chuyển trụ sở tới Hòa Lạc, khu đô thị ĐHQGHN - khu đô thị đại học lớn nhất Việt Nam - đã có quy mô đào tạo khoảng 6.000 sinh viên học tập trung.
Ngày 10/12 vừa qua, tổ chức xếp hạng QS đã công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới về phát triển bền vững năm 2025 cho gần 1.800 cơ sở giáo dục đại học trên toàn thế giới.
Trong kỳ xếp hạng lần này, ĐHQGHN xếp hạng 325 thế giới, gia tăng 456 bậc so kỳ xếp hạng năm ngoái.
Cũng trong năm 2024, tại Bảng xếp hạng Times Higher Education Impact Rankings lấy việc tiên phong thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc làm tiêu chí, ĐHQGHN có thứ hạng 401-600 thể hiện vai trò gắn kết môi trường giáo dục đại học với cộng đồng xã hội.
Sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội (Ảnh: VNU).
Năm học 2024-2025, ĐHQGHN có 13 đơn vị tuyển sinh đại học chính quy với 18.000 chỉ tiêu cho 150 ngành/chương trình đào tạo. Hiện đơn vị này chưa công bố phương thức tuyển sinh nhưng năm ngoái, ĐHQGHN giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và dự bị đại học; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; xét kết quả thi đánh giá năng lực (HSA); xét theo các phương thức khác.
Đối với kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐHQGHN công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi.
Đối với điểm thi HSA, thí sinh cần đạt tối thiểu 80/150 điểm mới được dự tuyển.
Đối với nhóm các phương thức khác, các ngưỡng đầu vào được quy định như sau: A-Level từ 60/100 điểm mỗi môn, SAT từ 1100/1600, ACT từ 22/36, IELTS từ 5.5, TOEFL iBT từ 72, VSTEP 3-5 từ B2, APT (đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM) từ 750/1200.
Theo dantri.com.vn