Tuyên dương 125 gương mặt dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu

Chủ nhật, 29.12.2024 | 09:42:58
205 lượt xem

125 gương mặt xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hàng triệu học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền tổ quốc góp mặt trong lễ tuyên dương diễn ra tối 28/12 tại Hà Nội.

Năm 2024 là năm thứ 11 Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) xuất sắc, tiêu biểu. 

125 học sinh, sinh viên, thanh niên thuộc 33 thành phần dân tộc đến từ 39 tỉnh, thành phố trên cả nước được vinh danh vì các thành tích xuất sắc trong học tập và lao động, cống hiến. 

Trong đó, 29 em đạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024; 8 em đạt giải nhất, nhì trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế; 54 em có điểm thi đại học đạt từ 28 điểm trở lên; 11 em học sinh thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù và DTTS rất ít người; 12 em đạt huy chương vàng, bạc, đồng trong các kỳ thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế; 11 thanh niên đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực.

Tuyên dương 125 gương mặt dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu - 1

Các học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu tham gia hoạt động bên lề lễ tuyên dương (Ảnh: Mạnh Hà).

Trong số 125 cái tên, nhiều gương mặt đã trở nên quen thuộc với cộng đồng. 

Đó là Ma Seo Chứ - vị trưởng thôn 9x người Mông của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, người đã có quyết định sinh tử cứu sống cả 115 nhân khẩu của thôn khi kêu gọi dân làng lên núi lánh nạn sạt lở.

Đó là Hiên Cuôn, Bí thư chi đoàn người Gié Triêng của thôn 49A xã Đắk Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, "thủ lĩnh biệt đội thợ xây" chuyên xây sửa nhà từ thiện và đào tạo nghề xây miễn phí ở vùng biên giới Việt - Lào.

Đó là Hoàng Khánh Mai người Mường, Ma Thị Thương người Tày, Y Khoer Niê người Ê Đê… và nhiều vận động viên thể thao khác đã mang về các huy chương vàng, bạc, đồng tại các giải đấu quy mô thế giới và khu vực.

Tuyên dương 125 gương mặt dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu - 2

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình hỏi thăm, chúc mừng các gương mặt DTTS tiêu biểu (Ảnh: Mạnh Hà).

Phát biểu tại lễ tuyên dương, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình gọi 125 học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu là "những tấm gương sáng, những đóa hoa đẹp đã vượt qua biết bao khó khăn, thử thách để đi đến vinh quang hôm nay".

"Các cháu đến từ những vùng đất xa xôi, nơi điều kiện học tập còn hạn chế, đã không ngừng phấn đấu để theo đuổi ước mơ và làm giàu tri thức của mình. Thành tích của các cháu là niềm vui, niềm tự hào của gia đình, thầy cô, của dân tộc mình và của toàn xã hội.

Trên cả nước đã có hàng nghìn câu chuyện đẹp và cảm động về nỗ lực vươn lên của học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số. Đối với các cháu, đường đến trường xa xôi, gập ghềnh, trắc trở; hành trang đến trường không chỉ sách vở mà còn có gạo, mắm, muối, chăn bông, áo rét; thời gian bắt đầu đi bộ đến trường khi gà mới gáy. 

Trong hoàn cảnh đó, để đi học đều và lên lớp như bạn bè đã là cố gắng vượt bậc. Nhưng để trở thành học sinh giỏi, đạt giải quốc gia hay thủ khoa đại học đòi hỏi nỗ lực phi thường. Các cháu đã thực sự là tấm gương sáng về nghị lực và khát vọng vươn lên", Phó Thủ tướng nhận định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số, đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về phát triển giáo dục. Đào tạo đội ngũ giáo viên tâm huyết, sẵn sàng gắn bó với vùng cao. Duy trì và mở rộng các trường dân tộc nội trú; cung cấp các khoản tài trợ như sách giáo khoa, đồng phục, bữa ăn học đường. 

Bên cạnh đó, các trường học cần tăng cường dạy song ngữ để các em bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mình. Triển khai các chương trình hướng nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của quê hương. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên dân tộc thiểu số…

Hiện nay cả nước có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú và 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 58%. Hệ thống các trường chuyên biệt đã và đang làm thay đổi về chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. 

Năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh khá giỏi trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú đạt trên 60%. Đặc biệt, trên 97% học sinh các trường này tốt nghiệp THPT và có nhiều em đỗ thẳng vào các trường đại học, cao đẳng nhờ thành tích đặc biệt.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/giao-duc/tuyen-duong-125-guong-mat-dan-toc-thieu-so-xuat-sac-tieu-bieu-20241228222654277.htm

  • Từ khóa