Quy định mới về nội dung ghi trên văn bằng: Bắt nhịp xu hướng quốc tế

Thứ 5, 12.03.2020 | 08:47:07
646 lượt xem

Từ đầu tháng 3/2020, Thông tư số 27/2019/TT-BGDĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học chính thức có hiệu lực. Những thay đổi trong quy định mới được cho là phù hợp với xu hướng quốc tế và có tác động tích cực đối với giáo dục đại học, đặc biệt là hệ đào tạo tại chức, từ xa...

Nội dung ghi trên văn bằng phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền lợi người học. Nội dung ghi trên văn bằng phù hợp với thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền lợi người học.

Không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã sửa đổi, bổ sung Điều 38 về văn bằng giáo dục đại học. Theo đó, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng…

Một điểm mới khác là văn bằng được cấp kèm phụ lục văn bằng. Tại phụ lục, nhiều thông tin chi tiết hơn về người học được đề cập. Trong đó có thông tin về người được cấp văn bằng; văn bằng; nội dung, kết quả học tập (nếu có) và thông tin kết nối với văn bằng (mã số sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh; số hiệu văn bằng). Hình thức đào tạo không còn thể hiện trên văn bằng sẽ được ghi trên phụ lục văn bằng.

Thực hiện quy định của Luật, Bộ GD&ĐT đã xây dựng, ban hành Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học. Theo Thông tư này, có 10 nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bao gồm: Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, văn bằng trình độ tương đương); ngành đào tạo; tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng; họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng; ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng; hạng tốt nghiệp (nếu có); địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng; chức danh, chữ kỹ, họ, chữ đệm, tên của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định; số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Như vậy, trên văn bằng giáo dục đại học không còn ghi hình thức đào tạo là “chính quy” hay “vừa làm vừa học”, “học từ xa”, “tự học có hướng dẫn” như quy định cũ tại Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT ngày 24/5/2011.

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Là giảng viên giảng dạy tại Trường ĐH Potsdam, CHLB Đức, TS Nguyễn Văn Cường nhận định, quy định mới của Bộ GD&ĐT phù hợp với xu hướng quốc tế. Các nước đều không quan trọng hình thức đào tạo là tập trung hay từ xa, vì đó chỉ là phương thức đào tạo. Quan trọng là quy định về bảo đảm chất lượng mà các chương trình đào tạo phải tuân thủ để bảo đảm chuẩn chung về đào tạo đại học.

“Việc ban hành Thông tư này là phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai Thông tư cần được tiến hành song song và đồng bộ với các biện pháp bảo đảm chất lượng giáo dục đại học nói chung, trong đó có các hệ đào tạo từ xa, tại chức…” - TS Nguyễn Văn Cường cho hay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về quy định mới nói trên với lý do thông tin về hình thức đào tạo trên văn bằng giáo dục đại học vẫn là tín hiệu quan trọng cho sự lựa chọn của nhà tuyển dụng và cũng là sự ghi nhận nhằm khuyến khích những người cố gắng trong học tập. Chia sẻ về điều này, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: Chênh lệch giữa đào tạo chính quy và tại chức là có thật, nhưng thực tế chúng ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ, cũng như khảo sát một cách khoa học để chứng tỏ rõ ràng điều đó.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không nên mặc định một cách tuyệt đối về sự chênh lệch này, bởi không phải không có những cơ sở đào tạo tại chức có chất lượng tốt. Chưa kể, với sự phát triển công nghệ, các hình thức đào tạo từ xa, E-Learning được sử dụng ngày càng nhiều và có khả năng tăng cường chất lượng.

Để thuyết phục dư luận khi xóa bỏ việc ghi loại hình đào tạo trên văn bằng, theo TS Nguyễn Văn Cường vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng. Nhà nước có chính sách quản lý chất lượng và cơ sở giáo dục phải tuân thủ các quy định đó. Đây là cách làm của thế giới và Việt Nam đang đi đúng hướng, như chú trọng kiểm định chất lượng, ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam…

Nói về tác động của quy định mới, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: “Các trường đào tạo chính quy sẽ không xáo trộn. Với các cơ sở có đào tạo tại chức, từ xa, về bản chất không có gì thay đổi nhưng sẽ tạo được hiệu ứng tâm lý tốt hơn - sự bình đẳng với bằng chính quy sẽ khiến cơ sở đào tạo, sinh viên, học viên tự tin khẳng định mình và cải tiến chất lượng đào tạo, học tập. Người ta sẽ quan niệm, việc dạy học làm sao đảm bảo chất lượng thực tế, đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp, xã hội. Quy định mới góp phần vào việc đó”.

Từng bước tăng cường và trao quyền tự chủ cho giáo dục đại học là xu hướng quốc tế quan trọng. Tự chủ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học là 2 nền tảng căn bản để phát triển đại học, và Việt Nam cũng đang đi theo hướng đó. Nhưng tự chủ ĐH không có nghĩa là buông lỏng quản lý. Công tác giám sát của Bộ GD&ĐT và các bộ chủ quản với giáo dục đại học luôn là cần thiết. Bên cạnh tăng cường tự chủ cho đại học, sử dụng hệ thống kiểm định chất lượng phải có quy trình quản lý, giám sát chất lượng. - TS Nguyễn Văn Cường 

Hiếu Nguyễn/gdtd.vn

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/quy-dinh-moi-ve-noi-dung-ghi-tren-van-bang-bat-nhip-xu-huong-quoc-te-4070428-b.html


  • Từ khóa