Trẻ nói dối thường ngập ngừng khi trả lời câu hỏi của người lớn, tông giọng nâng cao hơn bình thường, tránh nhìn thẳng vào mắt người đối diện.
Adrian Furnham là nhà tâm lý học, giáo sư tại University College London, Anh, từng thực hiện nhiều nghiên cứu về hành vi nói dối ở trẻ em và đúc kết bảy dấu hiệu thường xảy ra nếu một đứa trẻ không trung thực.
Tuy nhiên, giáo sư Adrian cho biết không phải 100% trẻ em có một hoặc một vài biểu hiện dưới đây đều đang nói dối. Có thể các em bị ức chế tinh thần, có cảm giác không an toàn. Phụ huynh nên kết hợp tìm kiếm bằng chứng đáng tin cậy để đi đến kết luận cuối cùng.
1. Ngập ngừng khi trả lời câu hỏi của người lớn
Nếu bạn đặt câu hỏi đơn giản, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, nhưng trẻ lại trả lời ngập ngừng, ấp úng thì có thể các em đang cân nhắc nên nói thật hay nói dối hoặc đang bịa câu trả lời thích hợp.
Chẳng hạn, bạn hỏi: "Hôm nay ở nhà con đã học bài chưa?". Đây là câu hỏi trực tiếp, chỉ cần trả lời có hoặc không và không mất thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu trẻ tỏ ra lúng túng khi trả lời thì có thể các em không muốn nói sự thật.
2. Thay đổi chủ đề
Tương tự với những câu hỏi đơn giản, trực tiếp, thay vì đưa ra đáp án ngay lập tức, trẻ lại lảng tránh trả lời, chuyển sang chủ đề khác có thể đồng nghĩa với việc che giấu sự thật. Điều này được lý giải bởi nhiều đứa trẻ không muốn trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề muốn che giấu vì sợ nói ra bị lộ tẩy.
Ảnh: Shutterstock. |
3. Tông giọng cao hơn bình thường
Giọng nói của trẻ em thường được nâng cao hơn, đặc biệt về cuối câu, khi thảo luận về chủ đề gây ra sự bất an hoặc sợ hãi. Điều này bao gồm khả năng các em đang nói dối và cảm thấy không thoải mái khi phải che giấu sự thật. Tuy nhiên, vẫn có thể loại trừ trường hợp trẻ có thói quen nâng cao tông giọng về cuối khi nói chuyện.
4. Sôi nổi hơn bình thường
Khi một đứa trẻ nói nhanh và không ngừng trả lời những câu hỏi đơn giản, dù người lớn không yêu cầu thì có thể em này không nói sự thật. Trẻ nói dối thường nói nhiều hơn bình thường, thêm thắt nhiều chi tiết vì cho rằng nếu nói chậm hoặc ít, mọi người sẽ phát hiện sơ hở trong câu chuyện. Ngoài ra, các em hy vọng trò chuyện cởi mở sẽ gia tăng sự tin tưởng từ phía mọi người xung quanh.
5. Nói lắp
Nói lắp có thể là tín hiệu cho thấy trẻ đang thiếu trung thực. Nếu bình thường trẻ không mắc tật nói lắp, hành động này biểu hiện các em đang cảm thấy lo lắng, sợ hãi, là cơ chế phòng thủ khi che giấu sự thật. Tín hiệu này sẽ càng rõ ràng khi bố mẹ đặt câu hỏi trực tiếp với trẻ.
6. Giao tiếp bằng mắt
Trong văn hóa phương Tây, tránh giao tiếp bằng mắt khi trò chuyện có thể được coi là dấu hiệu của hành vi thiếu trung thực, lảng tránh vấn đề hoặc rũ bỏ trách nhiệm. Người phương Tây có một câu nói nổi tiếng: "Tôi không tin một người không thể nhìn thẳng vào mắt tôi".
Quan niệm này đến từ niềm tin "đôi mắt là cửa sổ tâm hồn", thông qua việc nhìn thẳng vào mắt đối phương, người nghe có thể đoán được những cảm xúc như buồn bã, thất vọng hoặc chột dạ. Nếu trong cuộc trò chuyện, trẻ cụp mắt hoặc lảng tránh nhìn trực tiếp vào mắt người lớn, có lẽ các em không muốn đối diện với chủ đề nói một cách thẳng thắn.
Lấy ví dụ, khi con làm sai, bạn phạt và hỏi rằng: "Con có biết tại sao mình bị phạt không?". Nếu trẻ cụp mắt xuống và trả lời "có" có thể mang hàm nghĩa là chúng không muốn thừa nhận hành vi của mình hoặc không cho rằng bản thân đã làm sai. Chúng muốn nói điều mình nghĩ và muốn được bỏ qua.
7. Khoảng cách vật lý
Trong giao tiếp, có một câu nói nổi tiếng là "Khoảng cách vật lý tương đương với khoảng cách tình cảm". Khi bạn đặt câu hỏi cho con, hãy chú ý đến tư thế, khoảng cách giữa hai người. Nếu trẻ khoanh tay hoặc xoay người sang một bên hoặc đứng lui về sau đồ vật bất kỳ có nghĩa trẻ muốn thiết lập rào cản và đang cảnh giác. Những tín hiệu phi ngôn ngữ này có thể không nói lên rằng trẻ đang thiếu trung thực, nhưng về cơ bản các em không cảm thấy thoải mái hoặc không muốn mở lòng trò chuyện với người đối diện.
Tú Anh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/giao-duc/bay-dau-hieu-tre-noi-doi-4069431.html