Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Ngày này, các gia đình thường chuẩn bị mâm lễ để cúng bái tổ tiên.
Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Hàng năm cứ đến ngày này, nhà nhà lại sắm lễ với các loại hoa quả phong phú như vải, mận cùng những món ăn dân dã như bánh gio, rượu nếp... thơm nồng dâng cúng tổ tiên. Ảnh: hoabachhop0109.
Một trong những món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ là cơm rượu nếp cái hoặc nếp cẩm. Đây là loại đồ ăn đã được ủ lên men, sau đó có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến, kết hợp với một số loại thực phẩm khác ví dụ như sữa chua nếp cẩm. Ảnh: meek.d.
Cơm rượu nếp cả 3 miền đều có và mỗi nơi sẽ có công thức làm đặc trưng. Rượu nếp miền Bắc thì có vị bùi và ăn rất giòn, được nấu bằng gạo nếp lứt hoặc gạo nếp cẩm nhưng phổ biến nhất vẫn là dùng gạo nếp lứt. Sau khi có cơm nếp, người ta để cho cơm nguội sau đó mới trộn với men đã giã thành bột. Sau khoảng 2 ngày khi rượu nếp ngấu và nhừ là sẽ ăn được. Ảnh: tung.hoiiiiis.
Theo phong tục tập quán của người dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam, Bắc thì đến Tết Đoan Ngọ không thể thiếu bánh tro (bánh gio). Có tên gọi tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Ảnh: _thao.yen_95.
Làm bánh tro phải trải qua nhiều công đoạn công phu và tỷ mẩn của những bàn tay khéo léo, từ khâu chọn nguyên liệu đến cách làm. Ảnh: nguyendtt.
Bánh tro quyện với bát mật mía màu vàng óng, thơm phức được rất nhiều người yêu thích dịp này. Ảnh: kimmyphuongphan.
Một trong những món ăn, vào ngày Tết Đoan Ngọ, không thể thiếu trên mâm cỗ của người miền Trung, chính là món thịt vịt. Khi nhắc đến các món ăn làm từ thịt vịt, bạn có thể nghĩ ngay tên gọi quen thuộc như: cháo vịt, gỏi vịt kèm với chén nước mắm gừng, hay vịt tiềm thuốc Bắc... Ảnh: xaouyn1707.
Theo Đông y, thịt vịt mang tính hàn (mát) và ngọt nên có chức năng bồi bổ cơ thể, hạ nhiệt cũng như giải độc mụn sưng. Chính vì thế, vào ngày Tết Đoan Ngọ, khi khí trời nóng nực (thuộc tiết Đại Thử), nhiệt độ cao, nhiều người thường hay chọn những món ăn được chế biến từ thịt vịt để cân bằng nhiệt, bổ thân thể và sâu xa hơn là niềm tin tâm linh truyền thống. Ảnh: trangmappp.
Trái cây được các gia đình lựa chọn trong ngày này là những loại quả mùa hè, tươi ngon và có vị chua chua như: mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu… Ảnh: banh_tuan.
Quan niệm dân gian cho rằng bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Ảnh: inxinhyeu.
Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng. Ảnh: htxfood.market.
Mận và vải là 2 loại quả được ăn nhiều nhất trong dịp Tết Đoan Ngọ. Ảnh: louis.wu8x.
Phương Anh/VOV.VN (tổng hợp)
https://vov.vn/doi-song/mam-co-tet-doan-ngo-voi-nhung-mon-ngon-gian-di-1063705.vov