Uỷ ban Châu Âu đã chấp thuận có điều kiện đối với thuốc remdesivir điều trị người mắc Covid-19.
Quyết định được đưa ra ngày 3/7. Theo đó, bác sĩ sẽ được sử dụng thuốc có điều kiện cho những bệnh nhân nặng và nghiêm trọng. Đây trở thành phương pháp điều trị chính thức đầu tiên cho Covid-19 trong khu vực.
Động thái diễn ra chỉ một tuần sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh, cho phép dùng remdesivir đối với người lớn và thanh thiếu niên từ 12 tuổi trở lên, có triệu chứng viêm phổi và cần hỗ trợ oxy.
"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo đầy đủ các phương pháp điều trị Covid-19", Stella Kyriakides, Uỷ viên Cơ quan Sức khỏe và An toàn Thực phẩm EU, tuyên bố.
Một hộp remdesivir loại 100 mg được phân phối ở Ai Cập, ngày 26/7. Ảnh: Reuters
‘Cấp phép ra thị trường có điều kiện' là một trong những cơ chế quản lý được EU tạo ra để tiếp cận sớm các loại thuốc đáp ứng nhu cầu y tế khẩn cấp, chẳng hạn đối phó với đại dịch như hiện nay. Quyết định có hiệu lực tại khu vực trong vòng một năm, có thể được gia hạn hoặc cấp phép vĩnh viễn nếu nhà sản xuất cung cấp đủ dữ liệu cần thiết, cho thấy hiệu quả và độ an toàn của sản phẩm.
Hôm 1/7, Uỷ ban cho biết đang đàm phán với Gilead để có đủ liều remdesivir cho 27 quốc gia thành viên trong Liên minh Châu Âu.
Sau khi được chứng minh là làm rút ngắn thời gian phục hồi ở bệnh nhân nhiễm nCoV, nhu cầu đối với sản phẩm tăng lên nhanh chóng. Bác sĩ cho biết thuốc có hiệu quả nhất khi điều trị sớm, ở giai đoạn virus bắt đầu nhân lên. Bệnh nhân cần tiêm tĩnh mạch liền trong 5 ngày, vì vậy remdesivir thường được sử dụng đối với các bệnh nhân đủ nặng để nhập viện.
Quyết định của EU mở rộng phạm vi sử dụng thuốc trên thế giới. Trước đó, sản phẩm của Gilead cũng nhận được cái gật đầu của cơ quan y tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Hôm 30/6, Gilead vừa công bố giá bán của remdesivir. Đối với bệnh nhân Mỹ có bảo hiểm y tế từ 4 cơ quan lớn của toàn liên bang, giá thuốc là 2.340 USD cho toàn bộ liệu trình, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh (HHS). Vừa qua, hãng cũng phân bổ gần như toàn bộ nguồn cung cho Mỹ trong vòng ba tháng tới, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng khan hiếm ở những nơi khác.
Thục Linh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/chau-au-phe-chuan-thuoc-khang-ncov-4125277.html