Nhóm anti-vaccine trỗi dậy

Thứ 6, 21.08.2020 | 14:38:04
581 lượt xem

Trong khi các nhóm anti-vaccine tuyên truyền thông điệp sai lệch về vaccine nCoV, chính phủ Mỹ chưa xây dựng được các chiến dịch để ngăn ngừa điều này.

Theo một cuộc thăm dò gần đây, một phần ba người Mỹ cho biết họ sẽ không tiêm vaccine, dù chúng phổ biến rộng rãi và có chi phí thấp.

"Chúng ta cần biết vaccine quan trọng như thế nào", Chelsea Clinton, phó giáo sư chuyên ngành y tế công cộng và quan hệ quốc tế, Trường Y tế Công cộng Columbia Mailman, một người ủng hộ vaccine phát biểu. "Chúng ta đã từng thấy tầm quan trọng công tác giáo dục về vai trò của vaccine".

Theo truyền thống, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ là cơ quan chuyên trách các chương trình giáo dục về vaccine.

Vào tháng 6, Giám đốc CDC, Tiến sĩ Robert Redfield, cho biết: "Chúng tôi đang phát triển một kế hoạch nhằm củng cố niềm tin của người dân Mỹ vào vaccine". Redfield khẳng định điều này tại phiên điều trần của Ủy ban Y tế Thượng viện về Covid-19.

Tuy nhiên, khi được hỏi thông tin chi tiết hơn, người phát ngôn của CDC đã không trả lời.

Bà Clinton cho rằng CDC đã không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo bà, đáng lẽ các chương trình giáo dục người dân về vai trò của vaccine cần được đưa ra hàng tháng trước đó, khi những lời nói dối trắng trợn của các nhóm anti-vaccine tràn ngập trên mạng xã hội.

Những thông tin sai lệch đó bao gồm: tiêm vaccine sẽ để lại một hình xăm kỹ thuật số vô hình nhằm giúp các tổ chức bí mật theo dõi; vaccine được điều chế từ não khỉ, tiến sĩ Anthony Fauci - người đứng đầu nỗ lực phát triển vaccine, là "một tên bạo chúa", vaccine làm biến dạng khuôn mặt người tiêm một cách từ từ...

Một nhóm anti-vaccine biểu tình bên ngoài trụ sở của CDC, năm 2019. Ảnh: NY Times

Một nhóm anti-vaccine biểu tình bên ngoài trụ sở của CDC, năm 2019. Ảnh: NY Times

Tiến sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế Quốc gia, nhận định CDC đã không chú tâm đến việc này một cách bất thường. Ông phát biểu: "Dù đã có những cố gắng nhất định nhưng CDC không thành công trong việc củng cố niềm tin của người dân về vaccine".

Trong vài tháng qua, "Chiến dịch thần tốc" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một số việc mà đáng lẽ CDC phải làm. Chiến dịch đưa ra các thông điệp về y tế công cộng một cách mạnh mẽ, như vận động người dân hiến máu để phục vụ cho bệnh nhân nhiễm nCoV. Chương trình còn tập trung hợp tác với các nhà lãnh đạo, tổ chức phi chính phủ, thảo luận với người nổi tiếng và nhiều chuyên gia y tế về các chủ đề khác nhau nhằm phổ biến kiến thức cho người dân về đại dịch.

Tuy nhiên, các thông báo về chính sách liên quan đến vaccine sẽ không được công bố cho đến cuối tháng 11. Điều này làm ảnh hưởng đáng kể đến niềm tin của người dân về tiêm chủng.

Để lấy lại lòng tin về vaccine mới, người dân cần biết "ứng viên" nào sẽ ra mắt trước, liệu rằng một số loại vaccine có thể hoạt động tốt cho một nhóm nhất định, chẳng hạn người cao tuổi hay không. Hiện có sáu công ty vaccine đã nhận được tài trợ từ "Chiến dịch thần tốc".

Một vài nhóm kín trên các trang mạng xã hội như "Tiêm vaccine cho gia đình bạn" và "Tiếng nói cho Chủng ngừa", đã bắt đầu hoạt động nhằm vận động người dân tin tưởng vào tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) và Mạng lưới Phòng chống Covid-19 do chính NIH xây dựng, cũng bắt đầu nỗ lực tham gia trò chuyện với nhiều cộng đồng khác nhau, nhằm phổ biến cho người dân Mỹ các kiến thức về vaccine.

Phó giáo sư Clinton nhấn mạnh không nên đánh giá thấp sức mạnh của phong trào chống vaccine. Trong dịch sởi năm 2019 tại Mỹ, đợt dịch lớn nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, các hội nhóm anti-vaccine đã thành công với mục tiêu của mình - thúc đẩy nhiều người dân tẩy chay tiêm chủng.

"Thật không may, các nội dung anti-vaccine lại lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội, nhiều hơn gấp bội so với các bài viết ủng hộ và có tính khoa học", bà Clinton nhận định.


Mạnh Kha/vnexpress.net

https://vnexpress.net/nhom-anti-vaccine-troi-day-4150112.html

  • Từ khóa