Từ bệnh nhân thành 'chiến sĩ' chống dịch

Thứ 2, 14.09.2020 | 14:47:53
745 lượt xem

Ấp ủ kế hoạch suốt những ngày điều trị Covid-19, anh Mai Anh Đức, "bệnh nhân 687" rời viện là bắt tay làm nước sát khuẩn và phát miễn phí ngay.

Anh Đức nhận được thông báo dương tính nCoV từ ngày 5/8 khi đang ở khu cách ly tập trung. Trước đó một ngày, con trai anh cũng có kết quả tương tự. Cả hai đều tiếp xúc với hàng xóm là "bệnh nhân 420".

"Lúc biết tin, tôi có chút rối loạn, chân tay rã rời, lo cho mình thì ít mà lo cho gia đình thì nhiều", anh nói.

Khi đó, vợ và hai con của anh đã ở tại khu cách ly còn anh và con trai lớn được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang để điều trị. Trên đường đi, anh bình tĩnh nhắn vợ giữ gìn sức khỏe và cố lục lại trí nhớ để khai báo y tế với nhân viên y tế. Anh còn chủ động báo tin cho bạn bè, đồng nghiệp để mọi người phòng ngừa.

Khu vực anh điều trị dành cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng. Tình hình sức khỏe cả hai bố con khá tốt, chỉ ho nhẹ, không bị sốt cao, khó thở. Hàng ngày, anh động viên con trai cùng tập thể dục tăng cường sức đề kháng. Lúc rảnh rỗi, anh còn viết nhật ký chống dịch để cập nhật thông tin đến những đang người quan tâm.

Trong những ngày điều trị, anh quan sát thấy nước sát khuẩn cần rất nhiều để sát khuẩn tay cho bệnh nhân, các y bác sĩ hoặc vệ sinh giường, tủ, cửa kính,..."Tuy nhiên, nước sát khuẩn thường dùng cồn, có thể gây hại da, khô nứt và khá tốn kém", anh Đức nghĩ. Người đàn ông dự định sẽ sản xuất và cung cấp nước sát khuẩn an toàn, miễn phí cho các cơ sở chống dịch trong thành phố khi xuất viện.

Sau 9 ngày, anh Đức và con trai đều có kết quả xét nghiệm âm tính 4 lần. Cả hai xuất viện từ ngày 14/8 và tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

"Bữa tối ngày trở về, tôi chuẩn bị cơm tối cho cả nhà, nấu một nồi canh cá, xào ít thịt bò với hành tây. Tôi và con trai ăn riêng, cảm giác khác với mọi hôm nhưng không khí vẫn ấm áp. Thật mừng vì cả gia đình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc chiến này", anh chia sẻ.

Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe và đo thân nhiệt mỗi sáng cho anh Đức tại bệnh viện dã chiến Hoà Vang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ đang kiểm tra sức khỏe và đo thân nhiệt mỗi sáng cho anh Đức tại bệnh viện dã chiến Hoà Vang. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Đức cho biết, ngay khi dịch bệnh trở lại và Đà Nẵng trở thành tâm dịch, anh đã ấp ủ dự án làm nước sát khuẩn miễn phí song phải dừng lại do anh nhiễm bệnh, toàn bộ người thân đều phải đi cách ly.

Ngày trở về, anh đã bắt tay vào thực hiện kế hoạch, đặt tên là "Dự án 687", chính là số bệnh nhân của anh trong thời gian điều trị Covid-19.

Nhờ mối quan hệ kinh doanh trước đó, anh được một người bạn tặng một máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 ứng dụng công nghệ điện phân tế bào đơn, có tính sát khuẩn cao, đảm bảo an toàn. Nước sát khuẩn đã được viện Pasteur TPHCM chứng nhận có khả năng diệt virus đến 99%, phù hợp với cả trẻ nhỏ, người già. Mỗi phút máy sản xuất được 5 lít nước sát khuẩn, anh chiết vào can nhựa 20 lít và bình xịt cầm tay 500 ml, phục vụ nhu cầu sử dụng của từng người.

Ngoài ra, anh còn kêu gọi các tình nguyện viên tham gia thực hiện dự án, trong đó có một đối tác cũ, là F1 của anh. Mọi người cùng hỗ trợ các khâu vận hành máy sản xuất, đóng chai, dán tem và vận chuyển đến các cơ sở.

"Không ai mong muốn dịch bệnh kéo dài, nhưng tôi mong việc dùng nước sát khuẩn vệ sinh tay sẽ trở thành thói quen để mọi người bảo vệ sức khỏe cho mình và cộng đồng", anh Đức nói.

Sau hơn 2 tuần làm việc, team 687 đã sản xuất ra hơn 10.000 lít nước sát khuẩn miễn phí cung cấp đến nhiều nơi bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Đà Nẵng, chợ đầu mối hay nhiều khu vực dân cư bị phong tỏa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quảng Nam.

"Một lần trở lại bệnh viện Hoà Vang, tôi thấy chai sát khuẩn đặt cửa ra vào, đầu giường bệnh, khu làm việc mà thấy hạnh phúc lắm. Cả đội như được tiếp thêm động lực để cố gắng hơn", chỉ huy team 687 chia sẻ.

Nhóm sẽ tiếp tục sản xuất nước sát khuẩn để phục vụ trong các trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất để đảm bảo an toàn cho người dân trong trạng thái "bình thường mới".

Anh Mai Anh Đức, 38 tuổi, bệnh nhân 687 đang sản xuất nước sát khuẩn miễn phí để hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Mai Anh Đức, 38 tuổi, "bệnh nhân 687" đang sản xuất nước sát khuẩn miễn phí để hỗ trợ Đà Nẵng chống dịch. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tự nhận mình là người may mắn khi chỉ có biểu hiện nhẹ và xuất viện sớm, anh càng hiểu sự lo lắng của những người ở lại, mong ngóng ngày trở về.

Có lần, anh nghe được mọi người chê trách "bệnh nhân 687" có dịch tễ phức tạp hay bố mẹ anh đều nhiễm bệnh mà chưa công bố. Anh chạnh lòng. Khi đó, anh được y bác sĩ động viên, yên tâm điều trị. Vì vậy, dự định làm máy sát khuẩn giống như món quà tri ân anh dành cho đội ngũ nhân viên y tế giúp họ giảm bớt gánh nặng trong cuộc chiến chống dịch

Khi được mọi người đặt cho biệt danh là "chiến sĩ chống dịch Covid-19", người đàn ông lắc đầu. "Tôi đơn thuần chỉ là một người dân đang chung tay cùng thành phố chống dịch. Tôi tin, nếu tất cả cùng nhau chiến đấu thì dịch sẽ sớm bị đẩy lùi", anh nói.

Nước sát khuẩn được chuyển lên xe và đưa đến tận bệnh viện, chợ đầu mối hay khu vực dân cư đông có nhu cầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nước sát khuẩn được chuyển lên xe và đưa đến tận bệnh viện, chợ đầu mối hay khu vực dân cư đông có nhu cầu. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Thùy An/vnexpress.net

https://vnexpress.net/tu-benh-nhan-thanh-chien-si-chong-dich-4160234.html

  • Từ khóa