Giảm muối trong bữa ăn: Thay đổi thói quen để phòng chống bệnh không lây nhiễm

Thứ 5, 19.11.2020 | 14:07:06
1,114 lượt xem

Muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể nhưng việc ăn thừa muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tăng huyết áp, tim mạch. Chính vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức trong việc ăn giảm muối trong mỗi bữa ăn hằng ngày, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi thường xuyên sử dụng muối, bột canh và gia vị chứa nhiều muối vào thực phẩm khi sơ chế tẩm ướp, nấu nướng. Ngoài ra, gia đình cũng thường xuyên sử dụng nước mắm, xì dầu để chấm các món luộc. Các món ăn đều thêm nhiều muối và gia vị để đậm đà.

Không chỉ có gia đình chị Hạnh, rất nhiều người dân đang có thói quen ăn mặn, ăn nhiều muối trong các bữa ăn hằng ngày. Ông Hoàng Văn Cụt, xã Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi thường xuyên ăn nhiều muối và các gia vị có chứa muối. Mặc dù qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được tuyên truyền về việc ăn giảm muối nhưng do thói quen nên khó có thể thay đổi được.

Cán bộ Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền về lợi ích của việc ăn giảm muối cho các cán bộ y tế cơ sở

Điều dưỡng Hoàng Thị Dung, phụ trách Tổ Dinh dưỡng tiết chế, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Huyện Bắc Sơn có hơn 3.000 trường hợp tăng huyết áp đang được quản lý. Từ đầu năm 2020 đến nay, trung tâm tổ chức khám sàng lọc tại 10/18 xã, thị trấn trên địa bàn. Qua sàng lọc  900 trường hợp, đã phát hiện 153 trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp. Điều đó cho thấy, các trường hợp tăng huyết áp tại cộng đồng còn khá cao so với tổng số các trường hợp đang được quản lý.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), bệnh tăng huyết áp hiện nay có nguy cơ gia tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau như: thừa cân, chế độ ăn giàu chất béo, hút thuốc lá và do tuổi tác… Đặc biệt, việc ăn mặn quá nhiều có liên quan trực tiếp tới bệnh tăng huyết áp, vì  chế độ ăn nhiều muối sẽ làm nước được giữ lại trong lòng mạch gây tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp và các bệnh tim mạch. Tính đến hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 21.642 trường hợp tăng huyết áp được quản lý. Tuy nhiên, số bệnh nhân dự ước trong cộng đồng mắc bệnh này có thể lên đến hơn 100.000 người, mà một trong những nguyên chính được xác định là do ăn thừa muối.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người trưởng thành chỉ nên ăn 5 gam muối/1 ngày (1 thìa cà phê muối), trẻ em cần ăn ít muối hơn so với người trưởng thành. Bác sĩ Dương Thị Vinh, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm và dinh dưỡng, Trung tâm CDC cho biết: Để giảm lượng muối ăn hằng ngày, mọi người cần thực hiện các cách như: cần cho bớt muối – chấm nhẹ tay – giảm đồ mặn. Bên cạnh đó, cần tăng cường ăn các thực phẩm có chứa các chất chống oxy hóa, chất xơ như rau, củ, quả, đậu, đỗ trong các bữa ăn hàng ngày và ăn các thực phẩm có tính chất an thần, lợi tiểu nhẹ… như: rau cải, cà chua, bầu bí, mía, cam, khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu, đen.


Triệu Thành/Baolangson.vn

http://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/324829-giam-muoi-trong-bua-an-thay-doi-thoi-quen-de-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem.html

  • Từ khóa