Cô gái 20 tuổi, bỗng dưng mệt, da xanh xao, sút cân, bàng hoàng khi được bác sĩ chẩn đoán suy thận, phải lọc máu cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết bệnh nhân là sinh viên năm thứ hai một trường đại học, trước đây thấy sức khỏe vẫn bình thường, da hồng hào, chưa từng đi khám sức khỏe bao giờ.
Bác sĩ xác định bệnh nhân bị suy thận mạn do viêm cầu thận, theo dõi có suy thận tiến triển nhanh, phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu cấp cứu và sau đó tiến hành sinh thiết thận để chẩn đoán xác định.
Kết quả sinh thiết thận là xơ hóa cầu thận ổ - cục bộ, một loại tổn thương cầu thận có tiên lượng xấu dễ gây mất chức năng thận khiến bệnh nhân phải lọc máu chu kỳ hoặc ghép thận.
Một nữ bệnh nhân khác, 17 tuổi, học sinh cấp 3, không được kiểm tra sức khỏe. Trước vào viện khoảng 3 tháng cô thấy đau các khớp và rụng tóc, phòng khám chẩn đoán viêm thận do lupus ban đỏ hệ thống, một loại bệnh lý tự miễn dịch. Tuy nhiên bệnh nhân chỉ uống thuốc theo đơn một tháng rồi tự bỏ điều trị vì cô thấy đã khỏe mạnh trở lại.
Bệnh nhân quay lại khám vì phù toàn thân, tiểu ít đi, mệt mỏi, ho, khó thở. Khi vào viện, chứng viêm thận lupus tiến triển, suy thận nặng, suy tim, biến chứng viêm phổi, thiếu máu nặng, các bác sĩ phải truyền máu, dùng kháng sinh, lọc máu cấp cứu và sau đó thay huyết tương để làm giảm tiến triển của bệnh. Tuy nhiên đáp ứng của bệnh với các thuốc rất kém và bệnh nhân tiếp tục phải nhập viện nhiều đợt để lọc máu hỗ trợ.
Bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân suy thận tại bệnh viện. Ảnh: Trần Nhung
Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh nhận định rất nhiều người bệnh trưởng thành trẻ tuổi được phát hiện suy thận rất tình cờ, đôi khi chỉ là những dấu hiệu mệt mỏi mơ hồ, ăn không ngon miệng, buồn nôn, hoặc sau một buổi chơi thể thao, một ngày đi học về bỗng thấy mệt mỏi, uể oải, phù nề... khi đến viện khám mới bất ngờ phát hiện bị suy thận mức độ nặng, thậm chí suy thận giai đoạn cuối, bắt buộc phải lọc máu để duy trì sự sống. Trong một ngày, bác sĩ tiếp nhận 4-5 trường hợp suy thận là người trẻ dưới 25 tuổi. Có nhiều trường hợp người bệnh mới 15-16 tuổi đã phải tiến hành lọc máu chu kỳ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn, trong đó các bệnh lý ở cầu thận là một nguyên nhân hàng đầu ở Việt Nam, bao gồm viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh lý hệ thống và tự miễn dịch (lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì)... Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính cũng có xu hướng tăng lên ở Việt Nam. Ngoài ra còn do một số nguyên nhân khác như sỏi tiết niệu, nhiễm trùng mạn tính ở thận, các bệnh thận bẩm sinh và di truyền (thận đa nang, hội chứng Alpor...). Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc sử dụng một số thuốc để chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể làm tổn thương thận và dẫn đến suy thận mạn, ví dụ các thuốc chống viêm giảm đau.
Bệnh thận mạn tính đã trở thành một vấn đề sức khỏe có tính toàn cầu với ước tính trên toàn thế giới có khoảng 850 triệu người bị bệnh thận. Bệnh thận mạn tính là nguyên nhân đứng thứ 11 và là nguyên nhân tăng nhanh đứng hàng thứ 6 gây ra tử vong trên toàn thế giới với 2,4 triệu người chết mỗi năm. "Suy thận mạn tính rất nguy hiểm bởi không có gì thay thế được chức năng của thận", bác sĩ cho biết. Hiện nay trên thế giới cũng chưa có biện pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn suy thận mạn tính.
Ở những người bị suy thận mạn, đặc biệt ở người trẻ tuổi, nếu bệnh được phát hiện sớm cần điều trị theo đơn đầy đủ và thực hiện chế độ điều trị bảo tồn chức năng thận. Người bệnh cần bỏ thuốc lá, rượu bia, tập thể dục hàng ngày hợp lý tùy theo tình trạng sức khỏe, tránh các hoạt động thể thao mạnh, giảm lượng protein (thịt, cá), giảm lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Mức độ giảm muối và giảm đạm còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể cũng như mức độ giảm chức năng thận.
Bên cạnh đó, người bệnh cần được điều trị và kiểm soát các biến chứng như rối loạn điện giải, tăng huyết áp, tăng axít uric máu, rối loạn lipid máu, thiếu máu, loãng xương... Mục đích của điều trị bảo tồn chức năng thận là điều trị nguyên nhân gây suy thận, điều trị làm chậm tiến triển của bệnh thận đến giai đoạn cuối, cải thiện triệu chứng, hạn chế xuất hiện biến chứng và phát hiện sớm các biến chứng để điều trị kịp thời cũng như giúp nâng cao chất lượng sống của người bệnh bị suy thận mạn tính.
Trong cơ thể, thận đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trọng như đào thải các chất cặn bã và dịch dư thừa của cơ thể, điều hòa huyết áp, tạo máu, sản xuất vitamin D dạng hoạt động cho xương chắc khỏe... Khi bệnh thận tiến triển đến giai đoạn cuối cũng là lúc chức năng của thận còn dưới 10% mức bình thường, điều này có nghĩa là thận không còn đủ chức năng để đảm bảo các chứng năng vốn có. Lúc này cần phải tiến hành các biện pháp điều trị thay thế chức năng thận như lọc máu hoặc ghép thận.
Bác sĩ nhận định, khi phải lọc máu, chi phí điều trị sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với giai đoạn điều trị bảo tồn (suy thận ở những giai đoạn đầu), người bệnh cũng có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng liên quan đến lọc máu và phải phụ thuộc nhiều hơn vào bệnh viện. Vì thế, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng. Người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để các bác sĩ làm các thăm khám kiểm tra về chức năng thận giúp phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp nâng cao sức khỏe nói chung và phòng ngừa bệnh thận nói riêng. Bác sĩ khuyến cáo tất cả mọi người (kể cả những người trẻ tuổi) cần có chế độ ăn cân bằng, uống đủ nước, không ăn mặn, hạn chế đồ ăn nhanh và thức uống có cồn, nói không với thuốc lá; tập thể dục thể thao hàng ngày; tránh sử dụng thuốc bừa bãi đặc biệt là các thuốc không cần kê đơn, nên có tư vấn của các bác sĩ và dược sĩ khi phải sử dụng thuốc.
Thúy Quỳnh/Vnexpress.net