Bác sĩ cho biết, khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc phải căn bệnh này. Nếu không điều trị hiệu quả, bệnh có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não và nhiều biến chứng lên tim, thận...
TS.BS Trần Hòa, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, gần đây ông đã tiếp nhận điều trị cho anh N.N.S. (45 tuổi, ngụ tại Tiền Giang).
Căn bệnh 25% dân số mắc phải
Khai thác bệnh sử, cách đây 2 năm, anh S. phát hiện bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường khi khám sức khỏe định kỳ.
Khoảng 6 tháng nay, anh nhức đầu nhiều, chóng mặt và khó kiểm soát huyết áp. Vì công việc bận rộn, bệnh nhân thường quên uống thuốc, đồng thời lên cân khá nhiều. Tại bệnh viện, để điều chỉnh huyết áp cho người bệnh, bác sĩ chỉ định anh S. uống thuốc vào buổi sáng, kết hợp thuốc mới trong điều trị, phối hợp nhiều tác dụng trong một viên thuốc.
Bác sĩ Trần Hòa khám bệnh cho một trường hợp bị cao huyết áp (Ảnh: BV).
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị, điều này rất quan trọng. Đó là ăn nhạt và hạn chế tối đa lượng muối trong khẩu phần ăn, ăn trái cây hoa quả bổ sung lượng kali, giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể dục thường xuyên và mỗi ngày, tránh stress, giảm sử dụng đồ uống có cồn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng được hướng dẫn cách đo huyết áp đúng cách tại nhà và các phương pháp xử trí khi bị tăng huyết áp.
Nhờ tuân thủ điều trị theo phương pháp tối giản, thay đổi tích cực lối sống, anh S. đã duy trì được huyết áp mục tiêu, giảm cân nặng, đường huyết cũng ổn định. Hiện người đàn ông có thể sinh hoạt, làm việc bình thường và tiếp tục tái khám định kỳ.
Theo TS.BS Hòa, có khoảng 20-25% dân số thế giới và Việt Nam mắc tăng huyết áp. Trung bình cứ 4-5 người thì có 1 người bị tăng huyết áp.
Tuy chẩn đoán tăng huyết áp rất đơn giản, nhưng thực tế các số liệu cho thấy, có khoảng 50% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp. Người dân còn chủ quan, chưa chú trọng việc đo huyết áp và tầm soát, khiến số người bệnh được chẩn đoán vẫn chiếm tỷ lệ thấp.
Khoảng 20-25% dân số bị cao huyết áp (Ảnh minh họa: BV).
Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, phần lớn lại không tuân thủ điều trị, vì bệnh hầu như không gây triệu chứng điển hình. Bác sĩ cảnh báo, nếu không được phát hiện và điều trị hiệu quả, tăng huyết áp có thể gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não, nhồi máu não và nhiều biến chứng khác lên tim, mắt, thận, mạch máu…
Một vấn đề đáng lo ngại là việc người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp nhưng chưa tuân thủ điều trị cũng chiếm đến 50%. Cụ thể, nhiều người bệnh không tuân thủ điều trị bằng thuốc, chưa phối hợp thuốc để kiểm soát các yếu tố nguy cơ theo chỉ định của bác sĩ và có lối sống chưa phù hợp (thói quen ăn mặn, thiếu vận động, thừa cân - béo phì…). Điều này khiến bệnh nhân không đạt được huyết áp mục tiêu (dưới 140/90 mmHg).
Điều trị bằng một lần uống thuốc mỗi ngày
Theo TS.BS Hòa, hiện nay nhiều người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc 1 lần mỗi ngày. Trong cùng một viên thuốc sẽ kết hợp nhiều công dụng, giúp kiểm soát huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ gây biến cố tim mạch. Đối với người tăng huyết áp có bệnh đồng mắc, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng cách chỉ định các loại thuốc mới, kết hợp kiểm soát các yếu tố nguy cơ và các bệnh đồng mắc.
Để kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn, người bệnh cần tuân thủ điều trị lâu dài theo đúng chỉ định của bác sĩ, cần tái khám ngay nếu huyết áp không ổn định. Người đã điều trị ổn định chỉ cần tái khám mỗi tháng hoặc thậm chí 3 tháng/lần.
Bác sĩ đo huyết áp cho người dân khi khám bệnh tổng quát (Ảnh: Hoàng Lê).
Dù vậy, người bệnh tăng huyết áp kèm đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thừa cân - béo phì… có thể là đối tượng có nguy cơ cao bị biến cố tim mạch, nên cần tái khám định kỳ các chuyên khoa liên quan để các chỉ số sức khỏe luôn ở mức ổn định.
Theo khuyến cáo của Hội tim mạch quốc gia Việt Nam về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần chủ động đo huyết áp đúng cách tại nhà. Trước khi đo, cần kiểm tra để đảm bảo máy luôn hoạt động tốt, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của loại máy đang dùng. Máy đo huyết áp phải được hiệu chỉnh mỗi 6-12 tháng một lần để duy trì độ chính xác.
Để phát hiện sớm tăng huyết áp trong cộng đồng, bác sĩ khuyến cáo mỗi người dân nên nhớ việc đo huyết áp như nhớ tuổi của mình. Cụ thể, người bình thường trên 18 tuổi cần đo huyết áp mỗi năm một lần. Đối với người đã được chẩn đoán tăng huyết áp, cần tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Bên cạnh đó, cần duy trì chế độ ăn phù hợp, tập luyện đều đặn để tăng cường lưu thông máu, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp.
Hoàng Lê/dantri.com.vn