Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca ung thư phổi mỗi năm, nam mắc gấp 3 lần nữ

Thứ 2, 14.08.2023 | 10:22:49
605 lượt xem

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam với 26.262 ca mỗi năm. Thuốc lá là thủ phạm gây ra 90% ca ung thư phổi.

Sáng 13/8, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế) tổ chức lễ phát động chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi mang tên "Thương phổi" với thông điệp "Tầm soát ngay, sớm chữa lành".

Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, bệnh ung thư đang trở thành gánh nặng lớn của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trung bình, mỗi năm tại nước ta có khoảng 183.000 ca mắc mới và khoảng 122.000 ca tử vong do bệnh ung thư, chủ yếu là ung thư gan, phổi, vú.

Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca ung thư phổi mỗi năm, nam mắc gấp 3 lần nữ - 1

Người dân được khám, chụp X-quang tầm soát ung thư phổi tại sự kiện sáng 13/8 (Ảnh: Hồng Hải).

Riêng ung thư phổi, đây là căn bệnh đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới tại Việt Nam, với khoảng hơn 26.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng nói, số ca tử vong rất cao, khoảng 23.000 ca tử vong.

"Thuốc lá là căn nguyên gây ra 90% ca ung thư phổi. Không chỉ hút thuốc chủ động, người hít khói thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này. Người hút thuốc tăng nguy cơ ung thư phổi gấp từ 15 đến 30 lần so với người không hút. Khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng tăng nguy cơ mắc ung thư phổi lên 20-30%.", Thứ trưởng Thuấn nói.

Nói về số ca ung thư phổi cao gần tương đương số mắc, GS Thuấn cho rằng do tỉ lệ phát hiện sớm còn thấp.

Việt Nam ghi nhận hơn 26.000 ca ung thư phổi mỗi năm, nam mắc gấp 3 lần nữ - 2

Khoảng 500 người dân thuộc đối tượng nguy cơ cao được khám, tầm soát miễn phí ung thư phổi (Ảnh: Hồng Hải).

Tại Việt Nam, tỉ lệ người phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn lên đến 75%. Nếu được phát hiện sớm, ung thư phổi hoàn toàn được kiểm soát. Cụ thể, ở giai đoạn 1, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Còn ở giai đoạn 2, 3, ngoài phẫu thuật (nếu có thể), người bệnh cần phải kết hợp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc điều trị đích với chi phí gấp vài chục lần. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị tốn kém, không hiệu quả.

Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh.

Qua chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi người dân chủ động tìm hiểu và thực hiện thói quen khám tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi.

Để phòng ngừa ung thư phổi, Bộ Y tế kêu gọi người dân từ bỏ thuốc lá (gồm cả thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử), thực hiện tầm soát ung thư phổi định kỳ, vận động đều đặn, dinh dưỡng hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm, tỉ lệ phát hiện ung thư ở Việt Nam phần lớn ở giai đoạn muộn. Vì thế, Bộ Y tế đang đề xuất sửa đổi Luật BHYT, trong đó quy định quỹ BHYT chi trả chi phí cho việc tầm soát ung thư sớm. 

Tại sự kiện, hơn 500 người dân từ 50 tuổi trở lên và thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao được khám, tư vấn bệnh hô hấp và chụp X-quang lồng ngực miễn phí.

Với những người có nguy cơ cao sẽ được giới thiệu đến cơ sở chuyên khoa chụp CT lồng ngực miễn phí để tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi nếu có nghi ngờ.

Cũng trong hoạt động của chiến dịch, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng ra mắt trang thông tin điện tử thương phổi (thuongphoi.vn) nhằm cung cấp những thông tin chính thống về chẩn đoán sớm, điều trị bệnh ung thư phổi.

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng cho biết, dự án "Thương phổi" với thông điệp "Tầm soát ngay, sớm chữa lành" lần đầu tiên được phối hợp triển khai tại hàng loạt bệnh viện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về việc tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư phổi.

Chương trình nhằm nâng cao tỉ lệ người bệnh được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm với các phương pháp tiên tiến; Đồng thời triển khai chương trình sàng lọc bệnh ung thư phổi đối với những đối tượng có nguy cơ cao.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/viet-nam-ghi-nhan-hon-26000-ca-ung-thu-phoi-moi-nam-nam-mac-gap-3-lan-nu-20230813162218466.htm

  • Từ khóa