Theo Sở Y tế TPHCM, tình trạng xuất hiện cục máu đông kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca đã được ghi nhận trong các báo cáo tại nhiều quốc gia.
Liên quan đến thông tin AstraZeneca lần đầu thừa nhận vaccine Covid-19 do công ty này sản xuất có thể gây cục máu đông, ngày 5/5, Sở Y tế TPHCM cho biết, tình trạng xuất hiện cục máu đông (huyết khối) sau tiêm vaccine AstraZeneca đã từng được ghi nhận từ nhiều nguồn dữ liệu và đều có tỷ lệ rất thấp.
Sự cố bất lợi hiếm gặp
Theo công bố dữ liệu an toàn của nhà sản xuất, hội chứng huyết khối kèm giảm tiểu cầu nghiêm trọng và rất hiếm gặp đã ghi nhận ở một số trường hợp sau khi lưu hành. Các trường hợp này gồm huyết khối tĩnh mạch, kể cả huyết khối xoang tĩnh mạch não, huyết khối tĩnh mạch tạng, cũng như huyết khối động mạch.
Tháng 4/2021, Cơ quan quản lý dược phẩm Châu Âu EMA (European Medicines Agency) đã tiến hành phân tích chuyên sâu các trường hợp có rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine Covid-19 tại khu vực này.
Cụ thể, báo cáo trong cơ sở dữ liệu an toàn thuốc của EU (EudraVigilance) đến ngày 22/3/2021 cho thấy, có hơn 80 trường hợp xuất hiện cục máu đông trong tổng số 25 triệu người đã được tiêm vaccine.
Từ đó, Ủy ban an toàn của EMA đã kết luận, biến chứng rối loạn đông máu phải được liệt kê là sự cố bất lợi rất hiếm gặp sau tiêm chủng vaccine AstraZeneca phòng Covid-19.
Học sinh tiêm vaccine Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Còn theo một báo cáo của Bộ Y tế Australia công bố ngày 12/1, việc xuất hiện cục máu đông kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine AstraZeneca từ 4 đến 42 ngày sau liều đầu tiên có tỷ lệ là 2/100.000 người được tiêm chủng, sau liều thứ hai là 0,3/100.000. Bộ Y tế Australia cũng nhận định đây là sự cố rất hiếm gặp.
Sở Y tế TPHCM chia sẻ, tình trạng xuất hiện cục máu đông kèm theo giảm tiểu cầu sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca (AZ) và Johnson & Johnson được ghi nhận trong các báo cáo của các cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vaccine tại nhiều quốc gia.
9 triệu liều vaccine AstraZeneca đã tiêm, TPHCM có phát hiện người bị đông máu?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã yêu cầu cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố hiếm gặp ở người sau tiêm vaccine Covid-19 nghi ngờ giảm tiểu cầu cục máu đông miễn dịch, đông máu rải rác trong lòng mạch, cục máu đông tĩnh mạch não.
Theo các báo cáo, biểu hiện lâm sàng thường xảy ra 4-42 ngày sau khi tiêm. Tỷ lệ đông máu sau tiêm ở người trẻ cao hơn so với người lớn tuổi, đặc biệt ở độ tuổi 20-29. Sau tiêm vaccine AstraZeneca, tỷ lệ đông máu dường như ít xảy ra ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 0,2/1 triệu liều tiêm đầu.
Biến chứng đông máu sau vaccine AstraZeneca được cho rằng phụ thuộc vào yếu tố di truyền, bệnh nền, lối sống, thuốc đang dùng.
Dù vậy, Sở Y tế TPHCM cho rằng, cần khẳng định giá trị của vaccine, khi so sánh nguy cơ có 1 trường hợp xuất hiện cục máu đông trong 1 triệu trường hợp được tiêm phòng với lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao vì Covid-19.
Bên cạnh đó, tình trạng xuất hiện cục máu đông cũng có thể gặp ở nhiều tình huống lâm sàng khác. Cụ thể, bệnh Covid-19 cũng gây rối loạn đông máu nặng và xuất hiện những cục máu đông, hay biến chứng thuyên tắc phổi nặng khi đi máy bay đường dài (trên 12 giờ) cũng có thể xảy ra (với tỷ lệ 5 trường hợp trên 1 triệu người ngồi máy bay).
Theo Sở Y tế TPHCM, việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine Covid-19 là không có cơ sở (Ảnh: Hoàng Lê).
Căn cứ trên các khuyến cáo của WHO và đề xuất của Hội đồng chuyên môn, ngày 22/4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vaccin Covid-19.
TPHCM cũng đã triển khai nghiêm túc các quy định về an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, nhất là giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Từ tháng 3/2021 đến hết tháng 6/2023, toàn TPHCM đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.
"Tình trạng xuất hiện cục máu đông là sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Covid-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp sau 42 ngày. Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine Covid-19 là không có cơ sở", Sở Y tế TPHCM khẳng định.
Theo dantri.com.vn