Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, có một tỷ lệ nhất định người lành mang trùng, không phát bệnh nhưng vẫn là nguồn lây.
Những ngày vừa qua thông tin về một ca tử vong do bệnh bạch hầu tại Nghệ An và một ca mắc tại Bắc Giang do tiếp xúc với ca tử vong khiến nhiều người lo lắng. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An xác định 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong. Tương tự, Bắc Giang cũng xác định có 15 người tiếp xúc với ca mắc.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.
Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Ảnh: Trần Minh).
"Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào. Điểm nguy hiểm nữa của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao", PGS Phu nói.
Cũng theo PGS Phu, trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, nhiều bác sĩ không biết bệnh nhân bạch hầu song vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.
Vậy tại sao bệnh hay xảy ra ở miền núi? PGS Phu cho biết, tại miền núi, chúng ta vẫn có những vùng gọi là "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải cũng không có miễn dịch do tiêm chủng nên khi có dịch thường bùng phát ở miền núi, vùng sâu vùng xa.
Có nhiều yếu tố dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng tại một số vùng thấp như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều trường hợp không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ liều.
Vừa qua, chúng ta cũng có tình trạng thiếu cục bộ vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên ở vùng sâu vùng xa cũng không được tiêm. Trong khi ở thành phố hoặc đồng bằng, nhiều bà mẹ cho con đi tiêm phòng theo hình thức tiêm dịch vụ (tiêm vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1…).
PGS Phu cho biết, cũng vì thế dịch không bùng phát ở thành phố hoặc đồng bằng. Cũng có thời gian dịch bùng phát ở các tỉnh Tây Nguyên song hiện nay không có dịch xảy ra nhờ tiêm chiến dịch Td (tiêm bổ sung vaccine uốn ván - bạch hầu giảm liều) cho người dân ở khu vực này.
"Nói như vậy nhưng chúng ta cũng không được chủ quan. Khi dịch bùng phát thì bất kỳ ở đâu, thành phố hay nông thôn, miền núi, những ai không có miễn dịch (do tiêm chủng và do nhiễm phải) thì đều có khả năng mắc bệnh có triệu chứng hoặc nhiễm vi khuẩn và trở thành người lành mang trùng, lại mang vi khuẩn đi lây cho người khác", PGS Phu lưu ý.
Bệnh nguy hiểm là vậy song theo PGS Phu những trường hợp đã tiếp xúc với ca bệnh vừa qua, chúng ta cũng không nên quá lo lắng. Những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh sẽ được uống thuốc kháng sinh dự phòng để diệt ngay vi khuẩn bạch hầu, vừa không phát bệnh nếu không may nhiễm vi khuẩn và không trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Về lâu dài, biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là tiêm vaccine. Trẻ cần được tiêm đúng lịch, đủ liều sau đó thì tiêm nhắc lại 10 năm một lần. Tại những vùng có nguy cơ cao, Bộ Y tế có thể thực hiện những chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung…
Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Ảnh: B.V).
Vi khuẩn bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%, cao hơn ở trẻ nhỏ.
Vi khuẩn bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 6 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế…
Các thể bệnh bạch hầu hay gặp gồm bạch hầu họng (70%), bạch hầu thanh quản (20-30%), bạch hầu mũi (4%), bạch hầu mắt (3-8%), bạch hầu da...
Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, người bệnh xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời người bệnh có thể hồi phục bình thường.
Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tắc nghẽn đường hô hấp do giả mạc từ hầu họng lan xuống, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, liệt do tổn thương các dây thần kinh vận động và có thể tử vong.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan kéo dài, trên diện rộng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Ngành y tế cần giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Đồng thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu… |
Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/benh-bach-hau-nguy-hiem-nhu-the-nao-co-de-lay-20240708214110486.htm