Đề xuất tăng thuế thuốc lá để bảo đảm sức khỏe người dân

Thứ 5, 22.08.2024 | 08:40:02
848 lượt xem

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực ASEAN.

Gánh nặng bệnh tật

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Hằng năm, người dân Việt Nam dành khoảng 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Đây là chi phí lớn gây thiệt hại cho sự thịnh vượng của nền kinh tế nước nhà trong hiện tại cũng như tương lai mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được.

Bà Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, thuốc lá gây ra hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm có tới hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá và những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê gần đây, bà Angela Pratt cho biết, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến 2023, tổng sản lượng sản xuất đã tăng hơn 10%. Do đó cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân. Theo bà Angela Pratt, một trong những thách thức lớn nhất là giá thuốc lá ở Việt Nam ngày càng trở nên phù hợp với túi tiền của người dân bởi nó vẫn được giữ nguyên, trong khi thu nhập lại tăng. Đây là điều cần thay đổi.

Thống kê của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho thấy, thuốc lá đã tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn số người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm. Mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lá hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Đề xuất tăng thuế thuốc lá để bảo đảm sức khỏe người dân
Không chỉ nam giới, nữ giới cũng hút thuốc lá truyền thống. Ảnh: PHẠM HƯNG 

Cần thiết tăng thuế thuốc lá

Nhận định về vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Thủy cho rằng việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để tác động đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá được đánh giá trên một số khía cạnh. Đầu tiên là tăng giá. Bằng cách tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá, giá bán lẻ sẽ tăng lên, điều này có thể ngăn cản người tiêu dùng mua thuốc lá. Giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong số những người hút thuốc hiện tại. Giá thuốc lá cao còn có thể đóng vai trò như một rào cản đối với thanh thiếu niên, những người thu nhập thấp bắt đầu hút thuốc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tăng giá rất hiệu quả trong việc ngăn chặn người bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên. Hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá trong Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn còn thấp, sự tác động để kiểm soát tốt hơn việc tiêu dùng cho mặt hàng thuốc lá để góp phần bảo vệ sức khỏe người dân vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Chia sẻ thêm về việc cần thiết tăng thuế thuốc lá, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh: Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao trong giảm tiêu dùng thuốc lá so với các giải pháp phòng, chống tác hại thuốc lá khác, là giải pháp dự phòng hữu hiệu đã được WHO và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các nước áp dụng. Tuy nhiên, theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Việt Nam lại thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm chia sẻ: “Ở Việt Nam có một nghịch lý, sữa cho trẻ thì quá đắt mà thuốc lá lại quá rẻ. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Thuốc rẻ dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Do đó, cần tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong".

Đồng tình với nhận định của bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), việc tăng thuế thuốc lá là phù hợp với định hướng, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Mức tăng thuế như đề xuất của Bộ Y tế là phù hợp để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, phù hợp với khuyến cáo của WHO và thực trạng của Việt Nam. Bà Đinh Thị Thu Thủy cho biết, mỗi năm, Việt Nam có 40.000-70.000 ca tử vong sớm do sử dụng thuốc lá. Chi phí y tế cho các bệnh liên quan đến thuốc lá tới 108.000 tỷ đồng, trong khi thu thuế từ thuốc lá là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-xuat-tang-thue-thuoc-la-de-bao-dam-suc-khoe-nguoi-dan-790466

  • Từ khóa