Chuyên gia cảnh báo "nạn đói âm thầm" ở trẻ ảnh hưởng đến chiều cao

Thứ 5, 07.11.2024 | 09:23:37
375 lượt xem

Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đang trở thành một "nạn đói âm thầm" đối với trẻ em Việt Nam, cản trở sự phát triển chiều cao và sức khỏe xương.

"Nạn đói âm thầm" ở trẻ ảnh hưởng đến chiều cao

Hiện có 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới bị suy dinh dưỡng thấp còi. Đây là tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiều cao tuổi trưởng thành.

Đây là thông tin được PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại Hội thảo "Vai trò của vitamin D3 và K2 cải thiện mật độ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ em" do Viện Y học Ứng dụng Việt Nam tổ chức ngày 6/11 tại Hà Nội.

Chuyên gia cảnh báo nạn đói âm thầm ở trẻ ảnh hưởng đến chiều cao - 1

PGS.TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam (Ảnh: Ban tổ chức).

"Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi là thiếu vi chất dinh dưỡng. Đây được coi là nạn đói âm thầm ở trẻ em", PGS Xuyên chỉ rõ.

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, dù chiều cao trung bình của người Việt Nam đã có cải thiện trong thời gian qua, Việt Nam vẫn đứng thứ 4 ở Đông Nam Á và xếp thứ 153/201 quốc gia về chiều cao (2020). Nguyên nhân chính đến từ tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.

Chiều cao của một người phát triển mạnh mẽ nhất trong 1.000 ngày đầu đời - từ khi còn trong bụng mẹ đến khi trẻ lên 2 tuổi. TS Sơn nhấn mạnh rằng, đây là thời kỳ "vàng" cho sự phát triển chiều cao và sức khỏe tổng thể của trẻ.

Chuyên gia cảnh báo nạn đói âm thầm ở trẻ ảnh hưởng đến chiều cao - 2

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam (Ảnh: Ban tổ chức).

Có thể điểm qua các mốc tăng trưởng trong giai đoạn này bao gồm:

- Giai đoạn thai kỳ: Trẻ phát triển từ 0 lên tới 50cm chỉ trong 9 tháng mang thai. Đây là giai đoạn phát triển chiều cao nhanh nhất.

- Năm đầu tiên sau sinh: Chiều cao của trẻ tăng trung bình 25cm.

- Năm thứ hai: Trẻ tiếp tục tăng thêm khoảng 12,5cm.

Khi kết thúc giai đoạn 1.000 ngày đầu đời, trẻ có thể đạt được 50% chiều cao trưởng thành. Nếu trong giai đoạn này, trẻ không nhận đủ các vi chất thiết yếu, chiều cao sẽ khó bù đắp hoàn toàn trong những năm tiếp theo.

Sau giai đoạn này, tốc độ tăng chiều cao sẽ giảm xuống còn khoảng 6cm mỗi năm, và chỉ có một đợt tăng mạnh ở tuổi dậy thì trước khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và kết thúc vào khoảng năm 19 tuổi.

"Như vậy, can thiệp cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi để phục hồi chiều cao càng sớm càng tốt và mang tính liên tục", TS Sơn nhấn mạnh.

Theo TS Sơn, hiện tỷ lệ còi xương là 30%. Về quá trình phát triển của mật độ xương cũng tương tự như phát triển chiều cao. Đỉnh mật độ xương là khoảng năm 21 tuổi và sau đó đi xuống.

"Do đó, không phải chờ đến khi tuổi cao mới uống sữa để chống loãng xương, đó chỉ là một phần. Quan trọng là phải can thiệp từ lúc nhỏ để kéo mật độ xương lên cao", TS Sơn phân tích.

Bố hút thuốc, con cũng bị ảnh hưởng chiều cao

Theo TS Sơn, ngoài di truyền, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mật độ xương và chiều cao của trẻ như: hormone, vi sinh đường ruột, chế độ ăn, lối sống…

Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất:

Thiếu hụt các vi chất như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D và K2... có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng chiều cao và mật độ xương. Ăn quá nhiều đường và đạm động vật cũng gây đào thải canxi qua nước tiểu, làm giảm mật độ xương.

Hút thuốc lá thụ động:

Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại, ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và làm giảm mật độ xương của trẻ. Trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động (do cha mẹ hoặc người trong gia đình hút) có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, gây rối loạn tiêu hóa, dẫn đến kém hấp thu dưỡng chất và cản trở sự phát triển chiều cao.

Rối loạn tiêu hóa:

Sức khỏe đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ các dưỡng chất cần thiết cho xương và chiều cao. Trẻ em thường xuyên gặp rối loạn tiêu hóa sẽ kém hấp thu canxi và vitamin D, dẫn đến mật độ xương thấp hơn.

Giấc ngủ và hormone tăng trưởng:

Hormone tăng trưởng được tiết nhiều nhất trong lúc ngủ sâu vào ban đêm. Nếu trẻ em thức khuya, ngủ không đủ giấc, sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone tăng trưởng, từ đó làm chậm quá trình tăng chiều cao.

Thiếu cân bằng giữa mỡ và cơ: Một lượng mỡ quá thấp hoặc quá cao đều có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chiều cao. Thiếu mỡ có thể dẫn đến thiếu năng lượng cho quá trình tăng trưởng, trong khi lượng mỡ dư thừa sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi.

41,3% trẻ Việt ở đô thị thiếu vitamin D

Một yếu tố quan trọng, được TS Sơn nhấn mạnh, chính là chế độ ăn và đặc biệt là các vi khoáng và vitamin.

Theo tổng hợp của tạp chí khoa học The Lancet, canxi, sắt và kẽm là 3 vi khoáng quan trọng nhất đối với sự phát triển chiều cao.

Đối với các loại vitamin, có vitamin A, D và K2 đứng đầu bảng.

Theo các chuyên gia, vitamin D, đặc biệt là D3, giúp tăng cường hấp thụ canxi từ ruột vào máu, hỗ trợ sự phát triển và duy trì cấu trúc xương. Nếu thiếu vitamin D, trẻ dễ bị còi xương, suy giảm hệ miễn dịch và phát triển chiều cao kém.

Trong khi đó, vitamin K2 có vai trò điều hướng canxi từ máu vào xương, tránh tình trạng tích tụ canxi ở mạch máu gây vôi hóa động mạch. K2 không chỉ giúp tăng mật độ xương mà còn bảo vệ sức khỏe tim mạch, đóng góp tích cực vào sự phát triển chiều cao của trẻ.

Tuy nhiên, có tới 31,1% trẻ từ 6 tháng đến dưới 12 tuổi tại Việt Nam bị thiếu vitamin D. Với trẻ sống tại khu vực đô thị, tỷ lệ này lên đến 41,3%.

Theo TS Sơn, vitamin D có nhiều trong các loại thực phẩm như: dầu cá, gan, lòng đỏ trứng, bơ và sữa. Đây là vitamin tan trong dầu, do đó, cần có chất béo để hấp thụ tối ưu.

Ngoài ra, tắm nắng là một cách bổ sung vitamin D tự nhiên hiệu quả. WHO khuyến nghị mỗi lần phơi nắng 5-10 phút, 2-3 lần mỗi tuần vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn.

Viện Y học Ứng dụng Việt Nam khuyến cáo, quan sát bóng nắng để xác định thời điểm lý tưởng, khi bóng nắng ngắn hơn cơ thể là lúc phù hợp để tổng hợp vitamin D.

Vitamin K2 có nhiều trong các thực phẩm lên men như phô mai và đặc biệt là natto (đậu nành lên men của Nhật). Ngoài ra, trong thịt gà, lươn cũng có chứa vitamin K2.


Theo dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/suc-khoe/chuyen-gia-canh-bao-nan-doi-am-tham-o-tre-anh-huong-den-chieu-cao-20241106123300446.htm#:~:text=%22N%E1%BA%A1n%20%C4%91%C3%B3i%20%C3%A2m%20th%E1%BA%A7m%22%20%E1%BB%9F%20tr%E1%BA%BB%20%E1%BA%A3nh%20h%C6%B0%E1%BB%9Fng%20%C4%91%E1%BA%BFn%20chi%E1%BB%81u%20cao,-Hi%E1%BB%87n%20c%C3%B3%20149&text=%C4%90%C3%A2y%20l%C3%A0%20th%C3%B4ng%20tin%20%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c,6%2F11%20t%E1%BA%A1i%20H%C3%A0%20N%E1%BB%99i.

  • Từ khóa