Tại Việt Nam, ung thư phổi là căn bệnh đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới, với khoảng hơn 24.000 ca mắc mới mỗi năm. Đáng nói, số ca tử vong rất cao, khoảng 22.500 ca tử vong.
Thông tin trên được các chuyên gia cho biết tại chương trình "Khám sàng lọc bệnh hô hấp và ung thư phổi" cho khoảng 400 người dân trên địa bàn thành phố Hưng Yên, diễn ra ngày 14/12, do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Ngày mai tươi sáng cùng AstraZeneca Việt Nam tổ chức.
Nhiều người dân đã được khám, tư vấn tầm soát ung thư phổi (Ảnh: Hồng Hải).
Tại sự kiện, 400 người dân trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, hoặc 40 tuổi trở lên nếu có nguy cơ cao (như hút thuốc lá lâu năm, có người thân mắc ung thư phổi)… đã được khám hô hấp, nghe tim phổi, chụp X-quang lồng ngực miễn phí để sàng lọc bệnh lý về phổi, ung thư phổi.
"Với những người có dấu hiệu nghi ngờ về bệnh hô hấp, ung thư phổi, họ cũng được làm các xét nghiệm bổ sung, chụp X-quang phổi, hoặc được tài trợ chụp CT liều thấp miễn phí tại bệnh viện có chuyên khoa ung bướu", Ths.BS Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Giám đốc Quỹ Ngày mai tươi sáng cho biết.
Tại Việt Nam, ung thư phổi có tỷ lệ tử vong (22.597 người) và mắc mới (24.426 ca bệnh), cao thứ hai sau ung thư gan, theo thống kê ung thư toàn cầu Globocan năm 2022.
Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư phổi trong cộng đồng còn thấp, chỉ khoảng 25-30%.
"Trước đây, tỉ lệ phát hiện sớm ung thư vú cũng thấp tương tự ung thư phổi, chỉ khoảng 25-30% được phát hiện sớm. Nhưng những năm gần đây, tỉ lệ phát hiện sớm và rất sớm ung thư vú khoảng 50-80%. Đây là tín hiệu vô cùng quan trọng, cho thấy việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh ung thư", BS Tĩnh cho biết.
Người dân được chụp X-quang lồng ngực miễn phí ngay tại sự kiện (Ảnh: Hồng Hải).
Nếu được phát hiện sớm, ung thư phổi hoàn toàn được kiểm soát. Cụ thể, ở giai đoạn 1, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Còn ở giai đoạn 2, 3, ngoài phẫu thuật (nếu có thể), người bệnh cần phải kết hợp hóa trị, xạ trị, dùng thuốc điều trị đích với chi phí gấp vài chục lần. Ở giai đoạn muộn, việc điều trị tốn kém, không hiệu quả.
Vì vậy, việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa rất quan trọng trong điều trị bệnh.
Việc tổ chức các chiến dịch sàng lọc, truyền thông sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về ung thư phổi, để người dân chủ động tìm hiểu và thực hiện thói quen khám tầm soát để phát hiện sớm ung thư phổi.
Chương trình có sự hỗ trợ của hơn 30 y bác sĩ thuộc Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cùng các đơn vị y tế có chuyên môn ung bướu khác trên địa bàn.
Ung thư phổi diễn biến rất âm thầm, rất khó phát hiện sớm do dấu hiệu khởi phát nghèo nàn.
Ung thư phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng có nguy cơ cao hơn ở những người ở lứa tuổi 55-74, có tiền sử hút thuốc lá lâu năm.
Những biểu hiện ban đầu cảnh báo ung thư phổi:
- Ho kéo dài
Bệnh nhân ho kéo dài, điều trị mãi không dứt, có thể ho có đờm hoặc máu.
Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện đau ngực trầm trọng hơn khi thở sâu, cười hoặc ho.
- Khàn tiếng
- Hụt hơi
- Thở khò khè
- Suy nhược và mệt mỏi
- Chán ăn dẫn đến sụt cân.
- Ở giai đoạn đầu, người bệnh cũng có thể bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát như viêm phổi hoặc viêm phế quản kèm theo. Khi khối u lan rộng, một loạt triệu chứng khác sẽ xuất hiện, phụ thuộc vào vị trí khối u mới hình thành.
Cụ thể, nếu khối u xuất hiện ở hạch bạch huyết, người bệnh có hiện tượng nổi u, đặc biệt ở cổ hoặc xương đòn.
Nếu khối u xuất hiện ở xương, người bệnh cảm thấy đau xương, nhất là ở lưng, xương sườn hoặc hông.
Khối u xuất hiện ở não hoặc cột sống, người bệnh có thể có biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, dễ mất thăng bằng hoặc tê tay/chân.
Khối u ở thực quản gây khó nuốt.
Khối u ở gan gây biểu hiện vàng da và mắt.
Theo dantri.com.vn