Không mất cảnh giác trước dịch sởi

Chủ nhật, 15.12.2024 | 15:59:31
357 lượt xem

Từ khi chính thức công bố dịch sởi vào tháng 8-2024, đến nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục tăng cường rà soát trẻ tiêm vaccine phòng bệnh sởi để kiểm soát dịch bệnh.

Vào tuần 48 (từ ngày 25-11 đến 1-12), ngành y tế TP Hồ Chí Minh cũng như người dân đã phải nhận tin buồn khi sự bùng phát của dịch sởi lấy đi sinh mệnh của một bé gái 12 tháng tuổi, ngụ tại phường Linh Chiểu, TP Thủ Đức. Bé gái nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 từ ngày 20 đến 28-11, với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, viêm phổi nặng hậu sởi, xét nghiệm sởi dương tính và chưa được tiêm vắc xin sởi do cơ địa suy dinh dưỡng và bị tật thiểu sản phổi phải bẩm sinh.

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Trường hợp tử vong của bé gái một lần nữa là lời cảnh báo về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh sởi có thể gây ra và sự cần thiết của việc tiêm phòng đầy đủ”.

Không mất cảnh giác trước dịch sởi

Trung tâm tiêm chủng VNVC tiêm vaccine phòng sởi trong mùa dịch cho trẻ em ở TP Hồ Chí Minh. 

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2024 đến tuần 49 (từ ngày 2 đến ngày 8-12), tổng số ca sởi tích lũy là 2.805 ca bệnh sởi tại Thành phố. Tính riêng trong tuần 49, Thành phố phát hiện 357 ca sởi, tăng gần 48% so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó, đã có 4 ca tử vong do dịch sởi tại năm nay trên địa bàn Thành phố. 

Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thành Luân, Phó trưởng Khoa hồi sức tích cực Nhiễm và Covid-19, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: “Tình hình tại khoa đang nghiêm trọng với số lượng lớn trẻ em mắc sởi phải điều trị tích cực, bao gồm lọc máu và thở máy. Hầu hết các ca bệnh nặng đều là những trẻ chưa được bảo vệ đầy đủ bằng vaccine, hoặc có sức đề kháng yếu do mắc bệnh nền hoặc suy dinh dưỡng. Điều này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi”.

Trẻ em từ 1-5 tuổi và 6-10 tuổi vẫn là hai nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh sởi cao nhất, chiếm đến 60% tổng số ca bệnh. Đánh giá khách quan và chính xác tình hình dịch bệnh và tình hình tiêm chủng tại TP Hồ Chí Minh, ngành y tế Thành phố tiếp tục rà soát tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi. Công tác tiêm chủng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi hầu hết các quận, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng.

Thế nhưng, vẫn còn gần 20% trẻ em sinh sống tại Thành phố chưa được quản lý tiêm chủng do địa chỉ khai báo không nằm trên địa bàn, khiến các trạm y tế phường, xã không phát hiện và theo dõi được tình trạng tiêm chủng. Điều này giải thích vì sao một số khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn xảy ra các ca mắc bệnh sởi. Ngành y vẫn cần tiếp tục triển khai các hoạt động rà soát để bảo đảm không bỏ sót trẻ chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi.

Đáng chú ý, ngày 19-11, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine sởi cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi, do kháng thể từ mẹ truyền sang con có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Trước đó, đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Chiến dịch sau khi triển khai đã tiêm hơn 6.200 mũi vaccine cho trẻ.

Ngoài ra, để nhanh chóng chấm dứt dịch sởi, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện khẩn trương triển khai các hoạt động tăng cường miễn dịch cộng đồng, các giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ, hướng đến mục tiêu làm giảm số ca mắc và hạn chế thấp nhất ca tử vong.

Người dân cũng lưu ý, cần đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế để được điều trị kịp thời khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao kèm các triệu chứng ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mũi và nổi ban tại các vị trí đầu, lưng, ngực cánh tay.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/khong-mat-canh-giac-truoc-dich-soi-807053

  • Từ khóa