Các nhà khoa học đại lục phân lập thành công các kháng thể được đánh giá là hiệu quả trong việc ngăn chặn virus xâm nhập tế bào.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu bởi giáo sư Zhang Linqi, Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết loại thuốc được tạo ra bằng kháng thể thậm chí hữu dụng hơn các phương pháp điều trị thử nghiệm hiện tại, bao gồm liệu pháp truyền huyết tương vốn bị hạn chế bởi nhóm máu.
Tháng 1, nhóm của Zhang và Bệnh viện Nhân dân Số 3 Thâm Quyến bắt đầu thực hiện nghiên cứu trên các bệnh nhân đã khỏi, phân lập 206 kháng thể đơn dòng có khả năng liên kết với protein của virus. Sau đó, họ tiến hành một thử nghiệm khác để đánh giá độ hiệu quả ngăn chặn nCoV xâm nhập tế bào.
Trong số 20 kháng thể đầu tiên được phân lập, 4 loại đáp ứng tiêu chí này. Đặc biệt có hai loại "cực kỳ công hiệu", ông Zhang nói.
Nhóm chuyên gia đang tập trung vào việc xác định những kháng thể mạnh nhất, có thể kết hợp làm giảm nguy cơ đột biến của nCoV.
Giáo sư Zhang Linqi và nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khoẻ Cộng đồng, Đại học Thanh Hoa. Ảnh: Reuters |
Nếu quá trình diễn ra suôn sẻ, khả năng các nhà đầu tư sẽ cho sản xuất hàng loạt để thử nghiệm, trước hết trên động vật và cuối cùng là ở người.
Giáo sư Zhang và các đồng nghiệm cũng hợp tác với Brii Biosciences, một công ty công nghệ sinh học Trung-Mỹ để "phát triển các kháng thể tiềm năng trong điều trị và can thiệp dự phòng".
"Tầm quan trọng của kháng thể đã được chứng minh suốt lịch sử y khoa nhiều thập kỷ. Chúng được sử dụng để điều trị ung thư, các bệnh tự miễn và bệnh truyền nhiễm", ông Zhang nói.
Phuơng pháp này không phải vaccine, nhưng có thể bảo vệ người có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao nhất như các nhân viên y tế tuyến đầu.
Thông thường, mất khoảng hai năm để phê duyệt một loại thuốc. Song dưới sức ép của dịch bệnh, quá trình tiến triển nhanh hơn nhiều, các giai đoạn thực hiện song song.
Giáo sư Zhang hy vọng kháng thể sẽ được thử nghiệm trên người trong 6 tháng tới, điều này mất nhiều thời gian hơn so với các thí nghiệm lâm sàng.
Ben Cowling, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Đại học Hong Kong, nhận định: "Có nhiều công đoạn cần thực hiện trước khi thực sự điều trị cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, thật tốt khi tìm ra phương pháp tiềm năng và có cơ hội thử nghiệm chúng".
Tính đến ngày 2/4, toàn thế giới ghi nhận hơn 900.000 ca dương tính Covid-19 và hơn 47.000 trường hợp tử vong. Trong số đó còn khoảng 35.000 bệnh nhân từ nghiêm trọng đến nguy kịch. Gần 700.000 người đã được chữa khỏi.
Các ổ dịch lớn nhất thế giới bao gồm Mỹ, Italy và Tây Ban Nha.
Thục Linh/vnexpress.net
https://vnexpress.net/suc-khoe/trung-quoc-tim-ra-khang-the-hieu-qua-chong-ncov-4078442.html