5 nguy cơ rình rập y bác sĩ điều trị Covid-19

Thứ 2, 20.04.2020 | 09:55:09
547 lượt xem

Những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiễm nCoV đối mặt nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc gần, lâu và thực hiện các thủ thuật điều trị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các nguy cơ lớn nhất là khi y bác sĩ kề sát mặt bệnh nhân, chưa kể thời gian phơi nhiễm lâu. 

Nguy cơ đầu tiên nằm ở việc xử lý đồ bộ đồ bảo hộ. Tất cả chuyên gia đều nhận định đồ bảo hộ gây trở ngại trong quá trình làm việc. Kính bảo hộ không đem lại thị lực bình thường cho mắt. Quần áo bí, mồ hôi vã ra, kính mờ làm cho mắt mình mờ đi, nếu làm không chuẩn sẽ mất thời gian hơn, nguy cơ lây bệnh cao hơn. 

Khi cởi bộ đồ bảo hộ, nếu chẳng may chạm vào bề mặt bên ngoài (đã bẩn) cũng là một nguy cơ khác, điều này đòi nhân viên y tế phải có kỹ năng. Cùng với đó, khi cởi, phải để ngay mặt bên ngoài vào bên trong, mặt bên trong ra bên ngoài để giảm thiểu nguy cơ phát tán virus từ ra không khí xung quanh.

Mối nguy thứ hai là khi nhân viên y tế lấy dịch tị hầu làm xét nghiệm PCR Realtime. Bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai, Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết:  "Để lấy mẫu chuẩn phải kích thích ho. Mà khi ho, tốc độ bắn giọt bắn xâm nhập vào đường hô hấp của người đối diện rất cao".

            Các bác sĩ giúp đồng nghiệp dán kín đồ bảo hộ trước khi họ bước vào khu vực cách ly điều trị bệnh nhân, để đảm bảo chống lây nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành

Các bác sĩ giúp đồng nghiệp dán kín đồ bảo hộ trước khi họ bước vào khu vực cách ly điều trị bệnh nhân, để đảm bảo chống lây nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Ngọc Thành

Thứ ba là là đặt nội khí quản cho bệnh nhân. Quá trình này được thực hiện với bệnh nhân Covid-19 nặng, phải có ống luồn vào trong phổi mới đưa được luồng khí vào. Khi đó, mặt của nhân viên y tế phải áp sát mặt của bệnh nhân, bởi thanh quản rất nhỏ, đường kính chỉ khoảng 1-2 cm, nằm sâu trong cổ họng. Các bác sĩ sẽ dùng một chiếc đèn chiếu vào cổ họng tìm cách đưa ống nhựa vào. Khoảnh khắc nguy hiểm nhất là khi bộc lộc thanh quản, bệnh nhân có thể ho, bắn dịch vào nhân viên y tế.    

"Bảo hộ chỉ ngăn được một phần. Kể cả khẩu trang N95 cũng chỉ ngăn được 95% khả năng virus xâm nhập", bác sĩ Vũ Mình Điền, Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, giải thích. 

Nguy cơ thứ tư là dịch tiết trong hầu bệnh nhân. Khi đặt nội khí quản xong, cổ họng bệnh nhân đã bị khống chế, dịch và đờm đọng lại. Nhân viên y tế lúc này sẽ phải cồng việc hút đờm và chất tiết, nguy cơ lây nhiễm cao. 

Cuối cùng, quá trình chăm sóc bệnh nhân nặng, nhân viên y tế phải tắm rửa lật trở cơ thể người bệnh. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nCoV có thể hiện diện trong phân, máu... Chính vì vậy, các bệnh viện tiếp nhân, điều trị người cách ly, nhiễm Covid-19 đều phải được phun thoáng khí phòng bệnh, khử khuẩn môi trường bằng thuốc sát khuẩn theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, dùng đèn cực tím để khử khuẩn không khí, máy lọc không khí... ngăn tối đa việc lây nhiễm chéo.    

Để giảm nguy cơ, nhân viên y tế  nhiều sáng kiến để chống dịch như làm mũ trùm đầu hình mỏ vịt, luồn dây oxy vào bên trong để thở dễ dàng; dùng tấm khiên làm màn chắn khi tiếp xúc với bệnh nhân, giảm nguy cơ lây nhiễm khi bệnh nhân ho, hắt hơi.


Thúy Quỳnh - Thùy An/vnexpress.net

https://vnexpress.net/5-nguy-co-rinh-rap-y-bac-si-dieu-tri-covid-19-4086735.html

  • Từ khóa