Cục di sản văn hóa sẽ kiểm tra việc cải tạo công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang), theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sáng 24/12, ông Trần Đình Thành, Cục phó Di sản văn hóa, cho biết hồi tháng 3/2020, tỉnh Hà Giang đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và thống nhất sẽ điều chỉnh, cải tạo nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc).
"Từ đó đến nay, việc cải tạo được tiến hành như thế nào, có đúng với phương án đã được thống nhất hay không, chính quyền địa phương phải có câu trả lời", ông Thành nói.
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay đã chỉ đạo Cục di sản văn hóa xem xét việc cải tạo nhà hàng Panorama theo đúng quy định.
Theo nguồn tin địa phương, nhà hàng Panorama bắt đầu thi công cải tạo từ đầu tháng 7, đưa vào hoạt động từ tháng 10 và thu hút đông khách tham quan. So với trước đây, nhà hàng đã thay đổi màu sơn từ đỏ và ghi đậm sang xám nhạt (màu đá), còn kiến trúc bên ngoài không có nhiều thay đổi.
"Nóc nhà được lợp ngói mới và các phần mái nhô ra phía sông Nho Quế giữ nguyên", chị Hà Phương, du khách từ Hà Nội, phản ánh.
Nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng sau cải tạo. Ảnh: Hà Phương
Giải thích vấn đề nêu trên, Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, khẳng định nhà hàng Panorama sau cải tạo "đã thực hiện đúng phương án được UBND tỉnh phê duyệt, trên cơ sở tham khảo ý kiến các nhà khoa học, kiến trúc sư".
"Nhà hàng chỉ cải tạo chứ không phá dỡ. Hầu hết du khách đến đây đều chấp nhận phương án này, vì có chỗ để dừng chân, ngắm cảnh. Chủ nhà hàng cũng đã chấp hành không bố trí nơi lưu trú ở đây", ông Quý nói.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam, người tham dự cuộc họp bàn phương án sửa chữa, cải tạo nhà hàng Panorama hồi tháng 3, cho biết ông từng nêu quan điểm kiến trúc công trình nhà hàng Panorama phải thấp, giảm bớt số tầng nổi, chỉ giữ lại một tầng và lợp mái ngói.
"Công trình nên mang kiến trúc bản địa, nhỏ, thân thiện với cảnh quan xung quanh và mang đúng nghĩa là trạm dừng chân cho du khách chứ không phải là khách sạn lưu trú", ông Tùng nói và cho rằng những phần nào liên quan đến kết cấu đảm bảo cho công trình an toàn thì giữ lại, còn phần giật cấp ra phía sông Nho Quế nên bỏ bớt.
Ngoài ra, ông Tùng đề xuất tỉnh Hà Giang xây dựng quy hoạch các điểm dừng chân cho cả cung đường Hạnh Phúc, để kích thích du lịch địa phương và tránh xảy ra những sự cố như vừa qua.
Nhà hàng Panorama trước khi cải tạo. Ảnh: Giang Huy
Hồi đầu tháng 3/2020, bà Vũ Thị Ngọc Ánh, chủ đầu tư nhà hàng Panorama, gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Giang, đề xuất cải tạo, chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách.
Bà Ánh lập luận, nếu phá dỡ 6 tầng phía trên hoặc phần mái nhô ra, công trình sẽ có nguy cơ trượt xuống sông Nho Quế. Vì vậy, bà kiến nghị giữ lại toàn bộ kết cấu công trình, chỉ thay đổi một số vật liệu cho phù hợp với cảnh quan. Bà cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho nhà hàng. Xung quanh công trình sẽ có nhiều cây và hoa.
Sau đó, tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các nhà khoa học và đồng ý chủ trương cải tạo nhà hàng, thay vì phá dỡ toàn bộ. Ông Trần Đức Quý cho biết, đa số chuyên gia di sản, văn hóa đồng tình cải tạo công trình.
Tòa nhà bê tông được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... ngay trên hẻm vực Tu Sản, ở đèo Mã Pì Lèng từ năm 2018, đưa vào sử dụng đầu năm 2019. Nhà chức trách địa phương cho hay công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng.
Viết Tuân/vnexpress.net
https://vnexpress.net/kiem-tra-viec-cai-tao-nha-hang-tren-deo-ma-pi-leng-4211257.html