Thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn chú trọng phát triển, bồi dưỡng, xây dựng điển hình tiên tiến, mô hình mới, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và các đơn vị trồng cây tại huyện biên giới Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn). Ảnh: AN THÙY
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường, tham mưu xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, qua đó, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Nhiều mô hình, cách làm hay, như: “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Công trình dân sinh, thắm tình đồn - xã”; chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Áo ấm mùa đông biên giới”; phong trào “Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn lập và duy trì hoạt động 156 lán chốt cố định và tổ cơ động địa bàn ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép. Qua đó, phát hiện 3.442 trường hợp nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, bàn giao cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly theo quy định. Bên cạnh đẩy mạnh tuần tra, chốt chặn trên tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng luôn thực hiện tốt công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa bàn phát hiện, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép; phối hợp tham gia các hoạt động tuần tra, bảo vệ biên giới. Thường xuyên tuyên truyền đến từng người dân không tham gia tiếp tay cho các đối tượng tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép; chủ động nắm bắt những diễn biến bất thường tại khu vực biên giới, thông tin kịp thời cho các đồn biên phòng để xử lý.
* Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 19 làng nghề truyền thống được công nhận và hàng chục làng có nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nhiều mặt hàng đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, tại các làng nghề và cơ sở công nghiệp nông thôn, công tác bảo vệ môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Các làng nghề còn xen kẽ trong khu dân cư. Việc thu gom và xử lý nước thải trong làng nghề vẫn còn hạn chế.
Để hướng đến nền sản xuất sạch, giải quyết ô nhiễm tại các làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải; đưa việc hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch vào chương trình khuyến công để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe con người.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ về đổi mới công nghệ, thay đổi sản xuất sạch hơn, tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch thành lập 16 cụm công nghiệp, làng nghề sản xuất tập trung với tổng diện tích quy hoạch 344 ha để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Tỉnh thực hiện cơ chế thu hút các dự án bảo vệ môi trường, thúc đẩy xã hội hóa bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.
Theo nhandan.com.vn
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/lang-son-xay-dung-khu-vuc-bien-gioi-vung-manh-638361/