‘Biển người’ lễ chùa và hiểm họa rình rập sau đợt dịch thứ ba

Thứ 4, 17.03.2021 | 14:42:27
410 lượt xem

“Biển người” chen chúc tại chùa Tam Chúc (Hà Nam) trong những ngày 13, 14, 15/3, đã gây lo lắng cho rất nhiều người khi những ngày tháng căng thẳng của đợt dịch thứ 3 chỉ vừa mới lắng xuống.


'Biển người' chen chúc ở bến tàu Tam Chúc gây lo ngại về nguy cơ dịch bệnh.

Chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không ai có thể bảo đảm tuyệt đối mầm bệnh không còn tiềm ẩn trong cộng đồng, vì vậy phải kịp thời chấn chỉnh, cảnh báo, yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân, đặc biệt những nơi, sự kiện tập trung đông người, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, có vậy thì các hoạt động sinh hoạt đời sống của người dân, sản xuất kinh doanh mới diễn ra bình thường nhất trong điều kiện bình thường mới.

Có phương án nhưng vẫn “vỡ trận”?

Ngay sau khi những hình ảnh hàng vạn người dân chen chúc đi lễ chùa Tam Chúc, nhiều người không đeo khẩu trang trong các ngày 13, 14, 15/3, được đăng tải trên nhiều tờ báo, mạng xã hội, Báo điện tử Chính phủ đã trực tiếp gọi điện thoại, trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nam, người dẫn đầu đoàn làm việc với Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc và trụ trì Chùa Tam Chúc.

Được biết, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam đã vào làm việc với Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc và nhà chùa để lập phương án bảo đảm phòng, chống dịch, đáp ứng được nhu cầu tâm linh chiêm bái và lễ Phật đầu năm của nhân dân. Chính vì vậy Ban Quản lý đã tận dụng khu nhà ở trước đây dành cho công nhân xây dựng thành khu vực dự phòng cách ly nếu có trường hợp khách sốt, ho, khó thở… (qua đo thân nhiệt và khai báo y tế) sẽ khoanh vùng đưa vào khu vực này với sức chứa khoảng 500 người.

Ban Quản lý Khu du lịch đã phối hợp để tăng lượng chốt kiểm dịch đo thân nhiệt (hiện có 4 chốt), đồng thời ứng trực tổ cứu thương tại chỗ gồm 2 xe (1 xe bên trong, 1 xe bên ngoài) để đáp ứng nhanh nhất các tình huống xảy ra.

Nhưng trả lời câu hỏi phóng viên về kịch bản ứng phó cụ thể trong trường hợp du khách tăng đột biến hay phương án đón một lượng khách nhất định để bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết những phương án chuẩn bị trước của Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc và Chùa Tam Chúc vốn chỉ bảo đảm đón 2 đến 3 vạn người, và thời gian qua, mỗi ngày chỉ có vài nghìn du khách vì vậy đã không ứng phó kịp với lượng khách tăng lên đến 5 vạn người.

Sở VHTT&DL Hà Nam đã làm việc với Ban Quản lý Khu du lịch và yêu cầu phải tăng cường các phương án bảo đảm phòng, chống dịch; bảo đảm khoảng cách cho du khách. Trong đó tập trung tăng cường các chốt kiểm dịch, phân luồng ngay từ xa khắc phục tình trạng ùn ứ cục bộ, chen lấn xô đẩy; tăng cường tuyên truyền người dân nghiêm túc thực hiện quy định đeo khẩu trang, thông qua hệ thống màn hình LED, loa phát thanh và nhắc nhở trực tiếp của lực lượng tình nguyện viên, bảo vệ…; kiên quyết xử phạt những trường hợp không chấp hành quy định đeo khẩu trang.

Công an tỉnh Hà Nam đã tăng cường thêm lực lượng để bảo đảm an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Chùa Tam Chúc.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL cho rằng hình ảnh "biển người" chen chúc tại Khu Du lịch Tam Chúc là báo động về sự chủ quan trong ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân khi những yêu cầu thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế không được thực hiện một cách hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh đối với cá nhân và cả cộng đồng.

Dư âm đợt bùng phát dịch thứ ba còn rất mới

Ngay sau khi nhận được thông tin về Chùa Tam Chúc, Bộ VHTT&DL, đã ra văn bản chỉnh đốn việc phòng chống dịch COVID-19 tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh trên cả nước.

Theo đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên cả nước cơ bản đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh do hiện tượng người dân chủ quan, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch khi tham gia các hoạt động tập trung đông người, đặc biệt là tại các địa điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh.

Du khách, Phật tử hành lễ nhưng nhiều người không đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.

Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương triển khai một số nội dung như thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch do Chính phủ, các bộ ngành đưa ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cho người dân.

Các ban quản lý di tích, ban tổ chức xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống dịch cho khách du lịch; người tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, khách tham quan... chỉ đón khách khi đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

UBND các tỉnh, thành xây dựng, thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; phát hiện kịp thời hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương.

Cùng ngày, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi văn bản tới ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục nâng cao các biện pháp trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở tự viện trước hiện trạng hàng vạn người tập trung đến du xuân, lễ Phật tại một số ngôi chùa danh lam thắng cảnh.

Hai văn bản có thể nói là rất kịp thời ngay sau khi xảy ra sự việc ở chùa Tam Chúc, tuy nhiên, phải nói thêm rằng trước đó Bộ VHTTDL, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những văn bản tương tự. Vấn đề đặt ra ở đây là sự quán triệt, triển khai ở cơ sở. Và đặc biệt quan trọng là ý thức phòng chống dịch bệnh của từng người dân. Chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng không ai có thể bảo đảm tuyệt đối mầm bệnh không còn tiềm ẩn trong cộng đồng.

Dư âm về những ảnh hưởng tiêu cực của đợt dịch thứ ba đến làm hàng chục nghìn doanh nghiệp lao đao, sản xuất, giao thương bị đình trệ; cuộc sống của hàng triệu người dân bị xáo trộn với nhiều bất tiện,… vẫn còn rất mới. Hiện 12/13 địa phương có dịch chưa qua 1 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới, còn Hải Dương vẫn tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm rải rác đã được cách ly trước đó. Vì vậy, hơn lúc nào hết mỗi người phải ý thức, trách nhiệm trong thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch, không chỉ giữ an toàn cho bản thân, gia đình mà góp phần cùng cộng đồng, các lực lượng chức năng và cả nước đẩy lùi đại dịch COVID-19, để các hoạt động sinh hoạt đời sống, trong đó có nhu cầu đi lễ chùa đầu năm, được diễn ra bình thường nhất trong điều kiện bình thường mới.

Chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại chùa Tam Chúc.

Chúng ta không được để lặp lại hình ảnh “biển người” ở chùa Tam Chúc, đây là hồi chuông cảnh báo đối với tất cả những di tích, danh lam, thắng cảnh mở cửa đón du khách trong thời gian tới đây phải chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó, đáp ứng nhu cầu du xuân của người dân nhưng bảo đảm tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Chính quyền địa phương phải đôn đốc, kiểm tra sâu sát, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời các ban quản lý khu di tích, danh lam, thắng cảnh, không được để tình trạng “khoán trắng”.

Minh Tâm/baochinhphu.vn

https://baochinhphu.vn/Xa-hoi/Bien-nguoi-le-chua-va-hiem-hoa-rinh-rap-sau-dot-dich-thu-ba/426005.vgp

  • Từ khóa