Quán beer club, pub vi phạm tiếng ồn sẽ bị phạt cảnh cáo đến phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Tối 16/3, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh phối hợp với UBND, Công an phường 11 (quận Bình Thạnh) xuống tận các quán beer club, pub trên đường Phạm Văn Đồng để nhắc nhở chủ cơ sở đảm bảo sự yên tĩnh chung trong hoạt động kinh doanh tại khu dân cư.
Chính quyền quận Bình Thạnh vận động chủ các quán này ký cam kết không gây tiếng động lớn, mở âm thanh, hát gây ồn ào làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân xung quanh.
Được tổ công tác vận động, chị Trần Thị Mỹ Huyền (chủ quán Cali Beer) ký vào bản cam kết sẽ không mở nhạc lớn gây ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Theo chị Huyền, mô hình quán bia này phải mở nhạc mới thu hút được khách, không có nhạc thì sẽ không bán buôn được. Ngoài các dụng cụ cần thiết, chị Huyền đầu tư dàn loa khoảng 20 triệu đồng để phục vụ việc kinh doanh.
"Từ trước đến giờ, quán tôi mở âm lượng nhạc vừa đủ để cho khách nghe. Đến 21h30 thì giảm xuống xíu nữa. Ai cũng cần thời gian nghỉ ngơi để làm việc vào hôm sau nên quán tôi mở nhạc nhưng không làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh", chị Huyền cho biết.
Cách đó vài chục mét, anh Nguyễn Văn Thiết (quản lý quán Havana) cho biết, các quán hoạt động mô hình beer club đều mở nhạc sàn để thu hút khách, nhất là các bạn trẻ.
Anh Nguyễn Văn Thiết, quản lý quán Havana ký cam kết không vi phạm tiếng ồn với tổ công tác.
"Quán em phục vụ đa số là các bạn sinh viên nên cần âm thanh lớn. Lần trước, quán em đã bị phạt rồi nên được vận động lần này thì sẽ mở nhạc nhỏ để không ảnh hưởng đến người dân", anh Thiết nói.
Ông Tạ Thanh Khiêm, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh cho biết, từ nay đến hết tháng 5/2021, đơn vị sẽ đồng loạt tuyên truyền, vận động đối với các cơ sở kinh hoạt động ở 20 phường trên địa bàn quận không mở nhạc, gây tiếng ồn lớn.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh cam kết không gây tiếng ồn vượt quá 70 dBA từ 6h đến 21h và không vượt quá 55 dBA từ 21h đến 6h ngày hôm sau. Các trường hợp vi phạm bị phạt cảnh cáo đến phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Sau thời gian tuyên truyền, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh sẽ tổng hợp lại danh sách các cơ sở kinh doanh còn gây ồn ào, ảnh hưởng đến khu dân cư để làm căn cứ xử phạt vào đầu tháng 6/2021.
Ông Khiêm cho biết, người dân có thể phản ánh các cơ sở hoạt động gây tiếng ồn lớn qua tổng đài 1022 và khó khăn nhất trong công tác này là giữ được hiện trường của tiếng ồn.
Anh Thiết chỉnh lại dàn loa và âm lượng để tiếng nhạc không làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
"Chúng tôi nhận 5 tin nhắn của người dân phản ánh về tiếng ồn vào thời điểm sau 22h thông qua tổng đài 1022. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi chuyển về cho phường để xuống trực tiếp kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nếu có gây ảnh hưởng", ông Khiêm nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, năm 2019, 2020, tại 17 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã xử lý 141 trường hợp vi phạm về tiếng ồn với số tiền hơn 800 triệu đồng. Trong đó, 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong khu dân cư bị xử phạt với số tiền hơn 2,6 triệu đồng.
Liên quan đến các vi phạm về tiếng ồn, hồi tháng 2/2021, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn để tiếp tục giữ vững an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho người dân.
Hoàng Thuận/dantri.com.vn