Hiện nay, dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi nhiều di tích, điểm du lịch tâm linh được phép mở cửa trở lại, nhiều người dân đã đổ xô đi lễ, dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều di tích, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Trong những ngày tới, dự báo số lượng người đổ về các di tích, điểm thờ tự tiếp tục tăng, vì vậy, chính quyền các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho khách du lịch, người tham gia
Du khách đến chiêm bái Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đều được giám sát y tế chặt chẽ. Ảnh: QUANG THỌ
Bảo đảm công tác phòng dịch tại các di tích
Tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), từ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đến nay có khoảng 30 nghìn người về thăm viếng, dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Giám đốc Khu Di tích Lê Trường Giang cho biết, đơn vị yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ; đồng thời hướng dẫn du khách đeo khẩu trang ngay từ khi bước vào cổng và trong suốt quá trình hành lễ, trường hợp du khách không chấp hành thì kiên quyết không cho vào khu di tích. Ngoài ra, tại các điểm dừng chân, Khu di tích bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn và mời du khách thực hiện sát khuẩn, in biển cảnh báo nhắc nhở tại các đền, chùa và các vị trí cần thiết; bố trí cán bộ đo thân nhiệt cho người dân tại khu vực đồi Công quán.
Ở tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 2 đến 16-3, di tích Đền Cửa Ông đón gần 35 nghìn lượt người, khu danh thắng Yên Tử đón gần 28 nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái.... Nhìn chung các di tích đều thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, bảo đảm an toàn cho khách tham quan. Phó Trưởng Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông Nguyễn Duy Thanh cho biết, Ban Quản lý đã bố trí sáu bàn tiếp đón, yêu cầu du khách đến đền phải thực hiện khai báo y tế, đo nhiệt độ và đeo khẩu trang. Trong đền lắp đặt hơn 100 biển báo, trang bị dung dịch sát khuẩn ở khắp các vị trí. Tại mỗi điểm thắp hương đều được kẻ vạch để người đứng thắp hương giữ đúng khoảng cách theo quy định. Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả Đinh Ngọc Chiến cho biết: năm nay, Ban tổ chức lễ hội Đền Cửa Ông chỉ tổ chức những phần lễ, không tổ chức phần rước Đức Ông vi hành, cũng như phần hội như các năm trước. Địa phương cũng đã đầu tư thêm một máy quét đo thân nhiệt tự động để phục vụ du khách.
Tại Hà Nội, nơi thu hút đông khách đi lễ nhất vẫn là Khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Do nằm trên một không gian rộng, có nhiều lối vào, cho nên Ban Quản lý di tích chùa Hương phải duy trì lực lượng tại ba chốt, mỗi chốt từ 8 đến 10 người, túc trực 24/24 giờ. Năm nay, nhìn chung lượng người đi lễ không đông bằng mọi năm, chỉ khoảng vài nghìn người/ngày. Trưởng Ban Quản lý Khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn Nguyễn Bá Hiển cho biết: "Chúng tôi tổ chức lực lượng tuyên truyền lưu động đi đò dọc suối Yến nhắc nhở mọi người thực hiện các biện pháp phòng dịch. Các ca-bin cáp treo được phun khử khuẩn khoảng 10 lần/ ngày. Các thuyền, đò cũng thực hiện giãn cách, không chở quá nhiều người. Tại các chùa, Ban Quản lý bố trí người đón lễ, người trả lễ để khách không dừng chân trong nội tự quá lâu".
Tuy nhiên, dường như các phương án phòng dịch nêu trên chỉ vận hành thông suốt khi các di tích đón lượng khách vừa phải, còn nếu số lượng khách đến di tích tăng lên đột biến thì mọi biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch có nhiều khả năng bị vô hiệu hóa. Theo đại diện Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc (tỉnh Hà Nam): Từ Tết Nguyên đán đến nay, chùa Tam Chúc vẫn mở cửa đón khách, mỗi ngày có từ ba đến bốn nghìn lượt du khách đến vãn cảnh. Riêng ngày 14-3, lượng du khách đến chùa tăng đột biến, lên đến 50 nghìn khách. Lượng khách kéo đến đông ngoài dự kiến khiến Ban Quản lý Khu du lịch không phản ứng kịp. Trước tình trạng này, Ban Quản lý đã bố trí vài chục xe buýt lớn chở miễn phí người dân vào chùa. Nhưng việc hàng nghìn người chen lấn nhau cũng khiến yêu cầu "giữ khoảng cách an toàn" không thể thực hiện được. Chưa kể, do tập trung đông người, không khí ngột ngạt, nhiều người đã bỏ khẩu trang hoặc đeo khẩu trang kiểu "chiếu lệ". Chỉ cần một người mắc Covid-19 đi lễ tại các di tích trong thời điểm này thì gây hậu quả khôn lường.
Kiểm soát số lượng du khách
Ngay sau khi báo chí, truyền thông đưa tin về hiện tượng quá tải, du khách tăng đột biến tại một số di tích, điểm du lịch tâm linh trong hai ngày 13 và 14-3, ngày 15-3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Cùng ngày, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có Công văn số 50/HĐTS-VP1, yêu cầu Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố tiếp tục nâng cao các biện pháp trong phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tự viện. Công văn nêu rõ: Để bảo đảm an toàn trong phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu các trụ trì, các ban quản trị tự viện tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để có phương án cụ thể bảo đảm về giãn cách, tránh ùn tắc, chen lấn đông người.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hầu hết các ban quản lý di tích, cơ sở thờ tự đều tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, kiểm soát số lượng du khách, phân luồng giao thông, xử lý các trường hợp vi phạm… nhằm xây dựng điểm đến an toàn, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, vừa bảo đảm an toàn phòng dịch.
Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng Lê Trường Giang cho biết, trong những ngày có đông người dân hành hương tại đền, Khu Di tích chủ động phối hợp các cơ quan chức năng phân luồng du khách ngay tại tám điểm trông giữ xe quanh khu di tích để tạo khoảng cách hợp lý, tránh tình trạng tụ tập đông người. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hồ Đại Dũng cho biết, lễ hội Đền Hùng năm nay chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Thời gian tổ chức tập trung trong hai ngày, trong đó ngày 17-4 (tức ngày 6-3 âm lịch) tổ chức lễ giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ, ngày 21-4 (tức mồng 10-3 âm lịch) tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và lễ dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong"...
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Ngọc Long-nơi có di tích Phủ Tây Hồ cho biết: "Nếu người dân đến lễ quá đông, Ban Quản lý di tích sẽ đóng cửa di tích để bảo đảm giãn cách và các quy định phòng dịch". Tại chùa Hương, theo Ban Quản lý di tích, với lượng khách khoảng 30 nghìn người/ ngày thì chưa đến mức lo ngại, do không gian khu di tích rộng và khách cũng đến rải rác trong ngày.
Tuy nhiên, có hai điểm dễ xảy ra tập trung đông người là bên trong các chùa và khu vực bến cáp treo. Trong trường hợp tập trung quá đông người, Ban Quản lý Khu di tích, thắng cảnh Hương Sơn sẽ dừng hoạt động của cáp treo để mọi người đi bộ, bảo đảm khoảng cách về phòng dịch.
Sau sự kiện Khu du lịch Tam Chúc bị "vỡ trận" ngày 14-3, ngay sáng 15-3, đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam đã làm việc với Ban Quản lý Khu du lịch Tam Chúc, yêu cầu chủ động xây dựng các phương án, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch trong những thời điểm lượng khách tăng đột biến, nhất là trong những ngày nghỉ cuối tuần, ngày nghỉ lễ. Ban Quản lý phải có định hướng phân luồng khách ngay từ ngoài cổng vào, không để khách dồn bên trong chốt bán vé rồi mới phân luồng. Duy trì hoạt động thường xuyên đường dây nóng của đơn vị kết nối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kịp thời thông tin, báo cáo tình hình phòng, chống dịch Covid-19, kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đơn vị và khách du lịch.
Lâu nay, mùa xuân vốn được coi là "mùa hành hương" của người dân nước ta, nhu cầu đi lễ tại các di tích, cơ sở thờ tự rất lớn. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp như hiện nay, cần tuyên truyền để người dân thay đổi quan niệm này. Bởi các Ban quản lý di tích, các lực lượng chức năng dù hoạt động tích cực đến đâu, nhưng nếu người dân đổ về quá đông và không tự giác thực hiện các quy định phòng, chống dịch thì hiệu quả sẽ không cao. Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng (Khoa Văn hóa và Phát triển - Học viện Báo chí và Tuyên truyền) khuyến cáo: "Đã đi chùa thì tâm phải thanh tĩnh, đến chùa phải đi nhẹ nói khẽ, từ tốn thong dong, không nên chen lấn, xô bồ. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người tham gia lễ hội phải tuân thủ tuyệt đối quy định phòng dịch, nhất là thực hiện biện pháp 5K. Nếu có thể, thì nên lựa chọn thời điểm thích hợp khác để đi lễ, bởi phật tại tâm, nếu chúng ta tích cực làm điều thiện cho xã hội thì giá trị đạt được sẽ to lớn hơn việc lễ lạt".
NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ/nhandan.com.vn