Bệnh lao là “kẻ giết người” thầm lặng với cơ chế lây bệnh nguy hiểm vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí lại có khả năng thích nghi cao trong thời gian dài. Vì thế, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp để huy động các cấp, ngành và cộng đồng chung tay góp sức đẩy lùi bệnh lao.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh, mỗi năm, toàn tỉnh thu nhận, điều trị cho khoảng 900 bệnh nhân mắc lao các thể; khám, xét nghiệm trên 100.000 người dân thì phát hiện 101 người mắc bệnh. Trong đó, phần lớn bệnh nhân lao được phát hiện chủ yếu bằng phương pháp thụ động, nghĩa là uống thuốc lâu ngày không khỏi mới đến cơ sở y tế khám, làm các xét nghiệm. Điều đó dẫn đến bệnh không được khám, điều trị kịp thời và nguy hiểm hơn là tình trạng kháng thuốc.
Cán bộ Bệnh viện Phổi chuẩn bị thuốc điều trị cho bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi cho biết: Để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lao, những năm qua, Ban Giám đốc bệnh viện đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh duy trì mạng lưới chống lao tại 11 huyện, thành phố và 200 xã, phường, thị trấn; kịp thời triển khai khám, phát hiện và quản lý điều trị lao tại cơ sở, đồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục sức khoẻ đối với bệnh nhân lao.
Được biết, hoạt động truyền thông trong cộng đồng được đẩy mạnh vào tháng 3 hằng năm, nhân ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3. Với chủ đề “Việt Nam chiến thắng Covid-19 – Chấm dứt bệnh lao”, từ đầu tháng 3/2021 đến nay, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn, trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế các xã đã treo trên 200 pa nô, áp phích tuyên truyền về phòng, chống lao tại những nơi tập trung đông người qua lại; tổ chức hơn 40 buổi tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về bệnh lao tại các cụm dân cư, lồng ghép về bệnh lao trong các cuộc họp xã, phường, thôn bản cho hơn 1.200 lượt người tham gia.
Đi đôi với tuyên truyền, Bệnh viện Phổi đã tăng cường chuyển giao các kỹ thuật mới, công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trong phát hiện và điều trị lao. Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động. Từ năm 2020 đến nay, Bệnh viện Phổi đã tổ chức khám phát hiện chủ động bệnh lao cho 1.350 người tại 2 huyện: Hữu Lũng, Cao Lộc. Qua đó, phát hiện 40 trường hợp mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học, hội chẩn điều trị 27 trường hợp lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học.
Ngoài ra, Bệnh viện Phổi còn thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do tỉnh, trung ương tổ chức để nâng cao trình độ, tiếp nhận các danh mục kỹ thuật cao ứng dụng trong điều trị bệnh. Theo thống kê, trong năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao 14 danh mục kỹ thuật cao liên quan đến dịch vụ kỹ thuật mở khí quản; tiếp nhận 14 máy móc trang thiết bị hiện đại như: máy giúp thở xâm nhập và không xâm nhập; máy siêu âm Ảrietta, monitor theo dõi bệnh nhân… và cử cán bộ đi đào tạo để sử dụng có hiệu quả các máy móc, thiết bị mới trong điều trị.
Cán bộ Bệnh viện Phổi sử dụng trang thiết bị hiện đại trong điều trị cho bệnh nhân lao
Bác sĩ Nông Trọng Hòa, Khoa Khám bệnh – Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Phổi cho biết: Được sự quan tâm của Sở Y tế, Bệnh viện được đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại. Cán bộ, y bác sĩ được cử đi tập huấn, trực tiếp được cầm tay chỉ việc nên chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật mới, sử dụng thành thạo các thiết bị mới trong khám, điều trị, vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa nâng hiệu quả điều trị bệnh lao.
Đưa người nhà đến điều trị tại Bệnh viện Phổi, anh Cam Văn Đạt (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình) cho biết: Bố tôi mắc bệnh lao, phổi tắc nghẽn mãn tính. Lần nào nhập viện điều trị, cán bộ, nhân viên y tế đều đón tiếp, hướng dẫn, thăm khám bệnh rất chu đáo. Mỗi lần điều trị lại được sử dụng những loại thiết bị mới, hiện đại hơn. Người nhà chăm bệnh nhân cũng đỡ vất vả và thấy yên tâm hơn.
Với nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế trong công tác truyền thông, khám, phát hiện, điều trị bệnh lao, các chỉ tiêu thực hiện chương trình chống lao luôn đạt kế hoạch đề ra, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2020, toàn tỉnh có 6.989 người được khám và làm xét nghiệm, vượt 16,5% so với kế hoạch, tăng 2,71% so với năm 2019; tỷ lệ điều trị thành công đạt 92,75%, tăng 0,6% so với năm 2019; tỷ lệ điều trị thành công lao kháng thuốc đạt 66,67%, tăng 4,47%. Với những kết quả đạt được, tin tưởng và hy vọng rằng, Lạng Sơn sẽ tiến từng bước vững chắc trong hành trình chung tay cùng cả nước đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
NGỌC HIẾU/BAOLANGSON.VN
https://baolangson.vn/xa-hoi/suc-khoe/411072-chung-tay-day-lui-benh-lao.html