Những năm qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại tỉnh Tiền Giang đã lan tỏa tới từng đơn vị, khu dân cư và trở thành mục tiêu phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Từ đó, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã góp phần tích cực vào kết quả phát triển toàn diện của địa phương. Trong đó, mô hình tạo hình cho kiểng theo lời Bác dạy được xem là độc đáo, có tính truyền dạy cao đối với nhiều người.
Cặp kiểng được uốn theo phong cách cổ đã được nghệ nhân Lê Văn Hạnh, xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) hoàn chỉnh.
Từ tác phẩm kiểng cổ
Kiểng cổ là những tác phẩm nghệ thuật sống. Nó đã tồn tại khá lâu đời ở vùng đất phương nam. Thông qua những tác phẩm kiểng cổ, nghệ nhân và những người chơi kiểng cổ muốn gửi gắm tình yêu thiên nhiên và những ý tưởng triết lý đạo đức nhân sinh một cách tao nhã và thâm sâu.
Vùng đất Gò Công (tỉnh Tiền Giang) được xem là nơi khởi phát đầu tiên của trường phái kiểng cổ. Tại buổi hội thảo do Hội sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức ở TP Cần Thơ năm 2001, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước tham dự như: Long An, Tiền Giang, TP Huế, Bến Tre… đã có những cuộc tranh luận về nguồn gốc của giống kiểng cổ này. Sau khi xem xét dựa trên những luận cứ khoa học, nhà văn Sơn Nam đã kết luận: Kiểng cổ Nam Bộ có nguồn gốc từ xứ Gò Công (tỉnh Tiền Giang).
Kiểng cổ theo các tài liệu giải thích: Kiểng là cây để làm cảnh, chơi cảnh. Cổ là phong cách xưa, theo giáo huấn của người xưa. Cổ ở đây không nhất thiết là cây lâu năm. Những cây kiểng mới được tạo lập theo đường nét, phong cách xưa được gọi là kiểng cổ (kiểng theo lối xưa).
Một trong những tác phẩm kiểng cổ của nghệ nhân Lê Văn Hạnh.
Nghệ nhân Lê Văn Hạnh, ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) là một trong những người chơi kiểng cổ từ khá lâu và cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật được công chúng đón nhận. Dạo quanh vườn kiểng, vừa đi ông vừa tâm sự: “Nghệ nhân chơi kiểng nơi đây tạo ra các tác phẩm kiểng cổ dựa trên những sáng tạo của người xưa”.
Phân chia từng dáng thế, ông Hạnh giải thích một cách tỉ mỉ: “Nếu như kiểng cổ có dáng thế “tam cương ngũ thường” được người dân nơi đây xem là biểu tượng nhân cách của vua Tự Đức thì dáng thế “tam tòng tứ đức” được xem là phẩm hạnh, đạo đức của bà Từ Dũ, với sự thanh cao, chuẩn mực của người phụ nữ phong kiến. Bởi, vùng đất dòng Sơn Quy Gò Công là nơi sinh trưởng của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ (tức là mẹ của vua Tự Đức)”.
Theo các vị chơi kiểng cổ lâu đời của vùng đất Gò Công, kiểng cổ ra đời trong hoàn cảnh nhà Nguyễn kiến thiết đất nước và củng cố triều đình. Thời bấy giờ, nghệ nhân nghĩ và tạo thế cây kiểng theo quan điểm “lão giáo”, “nho giáo” nhằm đề cao đạo đức thánh hiền, giáo dục thần dân đương thời về đạo đức làm người.
Ông Lê Văn Hạnh chia sẻ: “Kiểng cổ người xưa để lại có rất nhiều dáng thế. Tuy nhiên, ngày nay, xã hội chấp nhận và thông dụng hai loại hình kiểng cổ đặc biệt là “tam cương ngũ thường” và “tam tòng tứ đức”. Tam cương là quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang; ngũ thường là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Tam tòng tứ đức là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; tứ đức là công, dung, ngôn, hạnh”.
Người xưa có để lại cho người chơi kiểng nơi đây là hình dáng cây phải đầu voi, đuôi chuột (đầu to, gốc nhỏ). Nhưng hiện nay thì đầu nhỏ, gốc to để thể hiện trụ cột gia đình vững chắc. Một tác phẩm kiểng hoàn chỉnh và đẹp phải có hai thân: mẫu (cây lớn) và tử (cây nhỏ). Trên thân cây mẫu có năm tàn nhưng quy định từ tàn thứ 3 lên ngọn phải thẳng đứng và chiếu về gốc, biểu trưng cho con người đi đâu cũng nhớ về cội nguồn, không bao giờ mất gốc. Tàn ngọn (đỉnh đầu cây kiểng) phải trực thiên (chữ tín) của bậc trượng phu, bao giờ cũng hiên ngang và ngẩng cao đầu với xã hội, không luồn cúi trước mọi thế lực. Tàn ngọn cây tử phải thấp hơn, không được cao hơn tàn của cây mẫu để thể hiện con cái luôn vâng lời dạy dỗ của cha mẹ”.
Qua bao thế kỷ và những thăng trầm, loại hình kiểng cổ không những để người làm ra nó tu thân, sửa mình mà còn nhắc nhở người ngắm phải sống theo đạo lý thánh hiền, sống sao cho đúng đạo lý của con người; đàn ông có bổn phận và trách nhiệm của một người trong vai trò trụ cột gia đình, người phụ nữ phải làm tròn bổn phận của mình.
Những cái hay của người xưa để lại kết hợp với các tinh hoa của sự sáng tạo ngày nay đã tạo nên cặp kiểng Nam Bộ “tam cương ngũ thường” và “tam tòng tứ đức”. Cập kiểng “tam cương ngũ thường” và “tam tòng tứ đức” đẹp phải có dáng tổng thể trong khuôn của một tam giác cân nhằm thể hiện sự ngay ngắn vững bền của gia đình; thân và gốc to, ngọn nhỏ ngụ ý nói trụ cột gia đình vững chắc, gương mẫu; gốc cây mẫu (gốc cây lớn), cây tử (thấp nhỏ) phải nghiêng 45o so với mặt đất và hợp nhau thành một góc 90o ngụ ý các thành viên trong gia đình có thế đứng cân bằng trong xã hội, nền móng vững chắc trong gia đình.
Mỗi gốc kiểng đều có dáng thế nhất định, cộng với vết tích của thời gian nên khi ta ngắm nhìn và thưởng thức, nó làm cho ta rung động tâm hồn.
Đưa lời Bác dạy vào kiểng cổ
Phát huy những giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại, ngày nay, các nghệ nhân đã sáng tạo những tác phẩm kiểng cổ theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giáo dục mình và con cháu mai sau. Những nghệ nhân chơi kiểng đang mong muốn tạo ra những tác phẩm hội tụ giữa đức nho giáo xưa và kiểng cổ đạo đức thời đại Hồ Chí Minh.
Nghệ nhân Trương Thành Tấn, Chi hội trưởng Chi hội kiểng cổ Tiền Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Tiền Giang có năm người tạo tác phẩm kiểng cổ theo lời Bác dạy, trong đó có ông. Dạo quanh vườn kiểng rộng lớn, chúng tôi nhận thấy vườn kiểng cổ của ông Tấn chỉ duy nhất cây mai chiếu thủy (mai nu) và có trăm cây kiểng được tạo hình theo lời Bác dạy; đặc biệt, cây nào cũng có hình ngôi sao, búa liềm trên ngọn.
Mở từng trang tài liệu được ông cùng các hội viên vẽ trên từng trang giấy, rồi ông giải thích: kiểng cổ là những cây mai chiếu thủy có gốc to, ngọn nhỏ; có sáu nhánh phân đều ra hai bên, mỗi bên ba tàn; trái, phải đều ngang nhau. Các tàn này tượng trưng cho: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Còn tàn trên đọt là hình ngôi sao hoặc búa liềm thể hiện tổ quốc và đảng.
Trong những năm qua, ông cùng với các hội viên trong chi hội thực hiện các tác phẩm nghệ thuật và lồng ghép tuyên truyền lời dạy của Bác vào những cuộc hội thảo, khách đến tham quan, sinh hoạt hội viên, uống trà mỗi sáng hay trà dư tửu hậu. Ông Tấn tâm sự: “Qua học tập tấm gương của Bác, mình có suy nghĩ là mình học rồi phải làm sao cho nó đi vào cuộc sống hằng ngày. Từ suy nghĩ đó mình làm bộ kiểng cổ, vận dụng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào bộ kiểng cổ. Tôi làm ra những tác phẩm như thế là để răn mình và giáo dục các thành viên trong gia đình”.
Hơn 20 năm qua, ông Tấn đã cho ra đời hơn 40 tác phẩm. Trong đó, đạo đức đảng viên, tấm gương của Bác, lời dạy của Bác được khắc họa vào những tác phẩm kiểng cổ này. “Sau khi tạo ra các tác phẩm, chúng tôi mang đi hội thảo, giao lưu với các tỉnh bạn, nhiều cụ 70 đến 80 tuổi chất vấn: Tác phẩm kiểng của ông được sáng tạo để học tập tấm gương đạo đức, phong cách của Bác là những gì? Trên cơ sở nghiên cứu khá sâu, tôi trả lời một cách rành mạch và đi sâu vào phân tích từng nội dung Bác dạy cho tác phẩm kiểng của mình, các cụ gật đầu hoan nghênh” - ông Tấn bộc bạch.
NGUYỄN SỰ/NHANDAN.COM.VN
https://nhandan.com.vn/dong-chay/tao-hinh-cho-kieng-theo-loi-bac-day-640084/