Một góc trưng bày sản phẩm của xưởng Thần công Việt.
Nguyên là một cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự và là người yêu thích, say mê lịch sử dân tộc, từng có nhiều sáng chế cải tiến trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nhưng Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong lại được nhiều người biết đến hơn với công trình chế tác mô hình các loại súng thần công của Việt Nam. Không chỉ đơn thuần có giá trị trưng bày, lưu niệm, sản phẩm của ông còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và chứa đựng nét tài hoa của các nghệ sĩ, nghệ nhân đất Việt.
Khởi nguồn vì yêu sử Việt
Một ngày mới của Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Phong bao giờ cũng bắt đầu tại xưởng chế tác Thần công Việt trong ngõ nhỏ phố Yên Lạc (Hà Nội). Ông bảo, từ ngày về hưu đến giờ, dường như bận bịu hơn, chẳng có nhiều thời gian nghỉ ngơi, song lại được thoải mái tập trung vào công việc mình yêu thích với những ý tưởng sáng chế mới. Gọi là xưởng chế tác, nhưng thật ra chỉ là một phần của tầng một trong ngôi nhà mà ông và gia đình đang ở. Tuy khá rộng, song không gian trở nên nhỏ hẹp hơn bởi đủ thứ máy móc cơ khí cùng các linh kiện sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện, lắp ráp. Trong góc riêng là khu vực thiết kế với chiếc bàn rộng, lỉnh kỉnh đủ loại thước đo cùng các bản vẽ kỹ thuật và những mô hình súng thần công đang được kiểm tra lần cuối trước khi cho nhập kho. Soi kỹ từng chi tiết khắc chìm, khắc nổi trên sản phẩm mới hoàn thiện với dáng vẻ hài lòng, ông quay sang giới thiệu với chúng tôi về từng mô hình súng thần công với hàng chục mẫu sản phẩm đang được trưng bày tại đây. Có đủ loại kích cỡ với những thiết kế khác nhau, từ loại nhỏ nhất nặng 3,5 kg cho đến cả loại nặng tới cả tấn với kích cỡ khá lớn. Theo ông Phong, đó chưa phải là mô hình lớn nhất bởi ông từng thiết kế và chế tác những khẩu thần công nặng tới 18,8 tấn, kích thước nòng súng dài hơn 5 m. Điều đặc biệt là mô hình súng thần công của ông đều được làm bằng chất liệu hợp kim, trừ loại lớn, còn đa số được mạ hai lớp ni-ken và vàng 24K giúp tăng độ bền, không bị bào mòn hay han gỉ theo thời gian.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phong cho biết, ý tưởng làm súng thần công Việt được ông ấp ủ trong mười năm, từ khi còn là cán bộ của Viện Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông đã đầu tư nhiều công sức, nghiên cứu các tư liệu về quá trình hình thành và sử dụng súng thần công cùng những chiến công oai hùng của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ông gặp nhiều nhà sử học và đi khảo sát ở nhiều địa phương để tìm hiểu về các loại súng thần công khác nhau đang được lưu giữ ở các điểm di tích, bảo tàng. Có lúc, nghe thấy ở một tỉnh nọ vừa trục vớt được khẩu thần công cỡ lớn, ông Phong lại lọ mọ tìm đến hỏi han, xem kỹ từng bộ phận, hoa văn trên súng và nghe ý kiến đánh giá của các nhà khoa học để về đối chiếu, so sánh bổ sung vào các mô hình súng thần công đã chế tác cho phù hợp, vừa chính xác theo các giai đoạn lịch sử, vừa mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Với sự am hiểu của một cán bộ kỹ thuật quân sự, ông Phong đã tích lũy được khối kiến thức đầy đủ về các loại súng thần công độc đáo trong lịch sử quân sự Việt Nam. Theo ông, đây là loại binh khí được nhiều dân tộc trên thế giới coi trọng, tôn vinh như linh vật quốc gia. Có hỏa lực mạnh, hiệu quả trong chiến tranh, súng thần công còn mang ý nghĩa văn hóa, được dùng trong những sự kiện trọng đại, đón năm mới, khai hội, duyệt binh hay đón chào nguyên thủ quốc gia. Sử sách nước ta ghi nhận Tả Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng của nhà Hồ ở thế kỷ 14 là ông Tổ của súng thần công Việt Nam. Sau này, chính quân xâm lược nhà Minh cũng phải thừa nhận kỹ thuật chế tạo vũ khí vượt trội của quân đội nhà Hồ. Sự ra đời của những khẩu Thần cơ sang pháo được đúc bằng sắt hoặc đồng có sức sát thương lớn khiến quân xâm lược khiếp sợ, là sự phát triển quan trọng trong lịch sử quân sự của người Việt thời kỳ này. Để rồi sau đó, cùng với giao thương, học hỏi kỹ thuật phương Tây, bên cạnh việc nhập về những khẩu thần công của các nước châu Âu, cha ông chúng ta đã tự đúc được những khẩu thần công bắn xa hơn, có sức công phá mạnh mẽ như đã thể hiện trong các chiến dịch tiêu diệt quân Xiêm, đại phá quân Thanh xâm lược của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung ở thế kỷ 18, những trận chiến của quân đội triều Nguyễn và nghĩa quân Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ 19.
Những mô hình đầu tiên theo kiểu dáng súng thần công cổ của Việt Nam đặt trên bệ đỡ được ông Nguyễn Hồng Phong và các cộng sự chế tác ra mắt đúng vào dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Với tên gọi “Tiếng vọng ngàn năm”, mô hình thần công Việt có khối lượng 3,5 kg được chế tác bằng đồng mạ vàng 24K, sử dụng nhiều loại hình chế tác, từ kỹ thuật cơ khí, đến hội họa, điêu khắc, chạm, mạ. Bệ súng là hình khối cách điệu như một cuốn sách đang mở, là nền tảng tri thức, trên đó trang trí những họa tiết kiểu tường thành quân sự vững chắc. Càng súng thần công được thiết kế như hình rồng cuộn bay lên cùng bánh xe mang hình mặt trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ, có hình chim Lạc. Đặc biệt là thân súng được khắc công phu toàn văn bản Thiên Đô chiếu (Chiếu dời đô) của Vua Lý Thái Tổ khi dời đô từ Hoa Lư về Đại La, khởi dựng Thăng Long nghìn năm văn hiến cùng biểu tượng Khuê Văn Các của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội. Hai bên thân súng có hình đôi rồng thời Lý - Trần thể hiện hình ảnh Thăng Long - thành phố rồng bay. Nhìn từ trên xuống, mô hình thần công Việt còn gợi nhớ hình ảnh Nỏ thần thành Cổ Loa, một sáng tạo binh khí độc đáo của người Việt thời đầu dựng nước và giữ nước.
Theo đánh giá của giới chuyên môn mỹ nghệ, mô hình thần công Việt “Tiếng vọng ngàn năm” trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tổng hòa nhiều yếu tố, từ tạo dáng cho đến sự tinh xảo trong chế tác, nhất là những nội dung hàm chứa các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận bản quyền, quyền sở hữu và bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm này của ông Nguyễn Hồng Phong. Cho đến nay, ông Phong và các cộng sự đã sản xuất hơn 1.000 khẩu thần công Việt “Tiếng vọng ngàn năm” và được nhiều người yêu thích tìm mua, lưu giữ, trong đó có nhiều người nước ngoài và Việt kiều ở các nước.
Đam mê sáng chế
Cho đến nay, bên cạnh dòng súng thần công “Tiếng vọng ngàn năm”, ông Nguyễn Hồng Phong và các cộng sự đã cho ra đời hàng trăm mô hình theo các mẫu súng thần công cổ của Việt Nam với đủ loại kích cỡ. Có loại để trưng bày trong phòng, trong vườn, các không gian bảo tàng, triển lãm và có cả loại với kích cỡ lớn đặt ở các khu du lịch, khách sạn. Không dừng lại ở súng thần công, ông Phong còn tiếp tục nghiên cứu và chế tác ra các mô hình dựa trên những loại pháo, tên lửa, máy bay nổi tiếng đã được quân đội ta sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Trên những mẫu sản phẩm này, ông cũng tích hợp vào đó các yếu tố văn hóa, lịch sử, giới thiệu về những chiến công oai hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng trong xưởng thiết kế của ông mô hình đại bác có những hình ảnh, biểu tượng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và cả những mô hình máy bay chiến đấu hiện đại SU 30 của không quân Việt Nam khắc họa đậm nét hình ảnh các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa...
Hiện tại, bên cạnh các mô hình thần công là sản phẩm chủ lực, xưởng Thần công Việt của ông Phong còn chế tác nhiều sản phẩm mỹ nghệ đồ đồng làm đồ trưng bày và quà lưu niệm cho khách du lịch như mô hình Cột cờ, Khuê Văn Các, mô hình Rồng vàng Thăng Long, Trống đồng và tượng các danh nhân lịch sử. Ông Phong chia sẻ: “Nhìn vào thị trường quà lưu niệm dành cho khách du lịch bây giờ ở Việt Nam mới thấy mẫu mã quá đơn điệu, nghèo nàn, thiếu nét riêng và không mấy tinh xảo. Tuy chưa phải quy mô, nhưng tôi mong muốn xưởng của mình sẽ có được những sản phẩm phần nào bù lấp cho những yếu kém đó và đáp ứng được nhu cầu của khách. Hàng lưu niệm chính là sứ giả quảng bá hiệu quả nhất về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.
Tham quan và xem các sản phẩm trong xưởng, có thể cảm nhận niềm đam mê và những ý tưởng sáng chế mới luôn sục sôi trong ông Phong và cộng sự. Ông cho biết, mình may mắn có những cộng sự luôn nhiệt thành, hết mình vì công việc. Họ là những họa sĩ, nhà điêu khắc và nghệ nhân, thợ kỹ thuật tâm huyết đã cùng ông thực hiện từng phần việc, từng công đoạn trên mỗi sản phẩm. Có người làm tạo hình điêu khắc, họa sĩ vẽ hình họa, thợ gia công cơ khí, khắc hoa văn, mạ ni-ken, mạ vàng, còn ông Phong chủ trì xây dựng bản thiết kế kỹ thuật chính và là người nối ráp các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Sản phẩm của xưởng hoàn toàn được chế tác theo phương pháp thủ công, do đó đòi hỏi người làm phải giỏi ở từng công đoạn, nhưng theo ông Phong điều cần hơn cả là tình yêu với công việc mình làm và không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đổi mới sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm mới cho thấy nét tinh xảo, độc đáo, đồng thời thể hiện được sự sống động của bản sắc và tâm hồn người Việt.
Mong ước lớn nhất của ông Nguyễn Hồng Phong và các cộng sự của xưởng chế tác Thần công Việt là một ngày nào đó, họ sẽ được thực hiện những mô hình súng thần công cỡ lớn đặt trang trọng ở các di tích lịch sử quân sự như nhiều nước trên thế giới đã làm. Đó sẽ là một kiểu triển lãm trực quan, giáo dục sinh động về tiến trình lịch sử Việt Nam, quảng bá các giá trị văn hóa cũng như nét tài hoa của người thợ Việt Nam đến với khách du lịch.
NGUYỄN TIẾN CƯỜNG/NHANDAN.COM.VN
https://nhandan.com.vn/chan-dung/nha-sang-che-tai-hien-lich-su-640744/