Rối thử nghiệm Trăng đất Việt

Thứ 2, 05.04.2021 | 08:50:34
1,170 lượt xem

Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, khi hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở các loại hình tạm dừng, thì các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam vẫn âm thầm sáng tạo và miệt mài luyện tập chuẩn bị cho chương trình rối thử nghiệm Trăng đất Việt. Chương trình được kỳ vọng sẽ thu hút khách du lịch, nhất là khách quốc tế thời “hậu Covid-19” muốn tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Cảnh trong chương trình Trăng đất Việt.

Diễn ra gọn ghẽ trong 60 phút, chương trình rối Trăng đất Việt đưa người xem lạc vào không gian sóng sánh ngập tràn ánh trăng. Trăng như người kể chuyện, cứ di chuyển đến đâu lại “khoe” ra những dấu ấn văn hóa đậm nét ở nơi đó. Khi thì trăng diễm lệ, huyền ảo hòa cùng tiếng đàn tính, sáo tiêu trong điệu nhảy của những chàng trai, cô gái dân tộc Tày, H’Mông, Thái ở vùng cao. Khi thì trăng dịu dàng, mộng mị nương theo những guồng nước chảy róc rách bên bờ suối vùng trung du. Có lúc, trăng ngọt ngào quyện vào những câu hò, điệu ví nơi dải đất miền trung; có lúc phủ tràn Tây Nguyên đại ngàn cùng những vũ đạo mạnh mẽ; khiêm nhường, ấm áp trong điệu múa sen, múa mâm vàng… cùng những bản đờn ca tài tử thấm đượm tình quê nơi vùng đất phương nam… Sự kết hợp thú vị, nhuần nhuyễn giữa rối cạn, rối nước cùng những loại hình ca múa nhạc truyền thống trong một không gian sân khấu mở nhiều tầng được sắp đặt đầy dụng công đã mang đến một Trăng đất Việt thấm đẫm hơi thở văn hóa của từng vùng, miền trên đất nước Việt Nam. Ở đó, những nghệ sĩ rối không đơn thuần chỉ đứng sau điều khiển con rối như trước nữa mà xuất hiện và diễn ngay trên sân khấu. Các nhạc công cũng không còn ngồi biểu diễn thành khối như thường thấy mà trực tiếp tham gia biểu diễn theo từng chuyển động của sân khấu. Những thử nghiệm độc đáo này không chỉ khiến người xem thỏa mãn về cả phần nghe, nhìn mà còn thật sự thăng hoa về mặt cảm xúc.

Là tác giả kiêm đạo diễn chương trình, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết, Trăng đất Việt là sự kết hợp biểu diễn của Ðoàn Nghệ thuật thể nghiệm và Ðoàn Nhạc của nhà hát với mong muốn tạo ra một chương trình nghệ thuật dành riêng cho khách du lịch. Ê-kíp sáng tạo đã đặt mình vào vị trí của du khách để xây dựng chương trình. Trong hành trình du lịch ngắn ngày, thường mỗi du khách chỉ có vài tiếng để thưởng thức nghệ thuật của nước sở tại, cho nên nếu đưa vào tua một chương trình đậm đặc các tiết mục rối sẽ không thỏa mãn được nhu cầu muốn được tìm hiểu, khám phá văn hóa của du khách. Ðó là lý do Trăng đất Việt sử dụng nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác nhau để phô ra những nét đẹp văn hóa tinh tế nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sự kết hợp duyên dáng này cũng khéo léo tôn lên vẻ đẹp của múa rối giữa bản hòa âm đa dạng các loại hình nghệ thuật. Với chương trình này, những người thực hiện còn muốn khẳng định nghệ thuật múa rối có khả năng chinh phục mọi lứa tuổi.

Một thử nghiệm đáng ghi nhận tạo nên sức hút mới mẻ cho Trăng đất Việt là chương trình không lặp lại bất kỳ một tích trò cổ nào đã từng diễn trước đây. Ngay cả những con rối cũng chưa từng xuất hiện ở các chương trình đã dàn dựng trước đó của nhà hát. NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ, với trò rối cổ, nghệ sĩ chỉ cần nhận con rối từ bộ phận tạo hình và sử dụng vì các trò diễn đã được trao truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng với chương trình lần này, để phục vụ những tiết mục biểu diễn mới, các con rối phải được “giải phẫu” một cách tỉ mỉ để các nghệ sĩ có thể thuận lợi trong điều khiển, thực hiện động tác đặc tả những dấu ấn văn hóa. Ðây cũng là khâu phải suy nghĩ nhiều nhất và tốn nhiều thời gian nhất, bởi không ít con rối buộc phải làm đi làm lại nhiều lần, con đạt được phần mỹ thuật tạo hình lại chưa đạt về bộ máy, hoặc đạt về hệ thống dây điều khiển trên cạn nhưng khi xuống nước lại chưa khả thi… Ðiều này đòi hỏi bộ phận tạo hình rối và diễn viên phải phối hợp chặt chẽ trong nhiều ngày để thường xuyên điều chỉnh sao cho con rối được khai thác động tác một cách tốt nhất. Chẳng hạn, cũng là múa sen cho rối nước nhưng nếu con rối trước đây chỉ có thể lắc ngang thì trong chương trình này đã có thể quay vòng tròn. Hay các con rối nước, trước đây thường ít khớp, không có khớp gối, khớp háng, giờ muốn thực hiện những động tác tinh xảo hơn như vừa có thể ngồi ôm đàn, dùng tay gảy đàn, mồm động đậy hát văn, lông mày rướn, mắt đảo ngược được thì cần nghiên cứu lại bộ máy điều khiển, đưa thêm nhiều khớp… Có những con rối mà phải vài người điều khiển mới có thể thực hiện hết động tác, bắt buộc các nghệ sĩ phải kết hợp ăn ý, khổ luyện mới có thể hòa chung một nhịp thở cùng rối.

Thưởng thức Trăng đất Việt, ngay cả những người trong nghề cũng phải ngạc nhiên khi biết số nhân lực để chạy chương trình biểu diễn rối cả trên cạn, cả dưới nước kết hợp cùng nhiều loại hình nghệ thuật thay đổi liên tục trong một tiếng đồng hồ mà không có thời gian nghỉ để chuyển cảnh chỉ có hơn 30 nghệ sĩ, nhạc công đảm nhận. Ðiều này chứng tỏ họ đã trình diễn với sự dày công chuẩn bị, tập trung cao độ thế nào khi chỉ cần chệch một đến hai nhịp nhạc thì kết cấu và tính tổng thể của chương trình đã không thể bảo đảm. Trăng đất Việt thật sự là một cuộc thử nghiệm nghệ thuật, không chỉ là thử nghiệm về cách dàn dựng, biểu diễn, tạo hình rối, mà còn là thử nghiệm với chính bản lĩnh lao động nghệ thuật của những nghệ sĩ. Ðược biết, Nhà hát Múa rối Việt Nam đang có kế hoạch phối hợp Tổng cục Du lịch và một số hãng lữ hành uy tín để có thể đưa Trăng đất Việt tiếp cận nhiều đối tượng du khách, nhất là khách nước ngoài khi du lịch quốc tế đủ điều kiện mở cửa trở lại.


HỒNG TRANG/NHANDAN.COM.VN

https://nhandan.com.vn/dong-chay/roi-thu-nghiem-trang-dat-viet-640932/

  • Từ khóa