Chuyên gia pháp lý cho rằng, giấy chứng nhận tâm thần là "cánh cửa" đầy hứa hẹn của kẻ phạm tội. Các bị cáo có thể thoát án tử nếu được xác định bị bệnh tâm thần…
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I - nơi xảy ra vụ án ma túy gây chấn động dư luận (Ảnh: Nguyễn Trường).
Khi bác sĩ tiếp tay cấp bệnh án, bao che cho bệnh nhân tâm thần
Dư luận bàng hoàng trước thông tin Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy số lượng lớn tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I do "bệnh nhân" Nguyễn Xuân Quý (SN 1983, trú tại Thanh Trì, Hà Nội) cầm đầu.
Trong vụ án này, ngoài Quý còn có thêm 5 đối tượng khác bị cơ quan công an khởi tố, tạm giam để điều tra. Đặc biệt trong đó có Nguyễn Anh Vũ (SN 1986, ở Thường Tín, Hà Nội; đang là Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng và y học cổ truyền) bị điều tra về tội "Không tố giác tội phạm".
Từ sự bao che của Vũ, Quý dễ dàng tự bỏ tiền cải tạo phòng điều trị tâm thần của mình thành "động lắc" với đầy đủ tiện nghi, âm thanh, ánh sáng. Thậm chí, Quý còn đưa cả bạn bè và "gái dịch vụ" vào phòng để thác loạn, "xả đồ".
Bên trong "động lắc" lập tại phòng điều trị ngay trong bệnh viện tâm thần của Nguyễn Xuân Quý.
Hàng ngày, từ 21h đến 4-5h sáng, có từ 5-7 đối tượng đến phòng của Quý để sử dụng ma túy. Đặc biệt, nếu có nhu cầu vào giờ hành chính, Quý dễ dàng ra ngoài thuê phòng để "bay lắc", dù đang là bệnh nhân phải quản thúc, điều trị bắt buộc. Thời điểm bị bắt giữ, Quý đang cùng nhóm bạn "bay lắc" trong một khách sạn trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Câu chuyện khiến dư luận bàng hoàng, song đây không phải lần đầu tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy.
Hồi đầu tháng 8/2018, dư luận xôn xao khi Công an TP Hà Nội khởi tố bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong (Phó Trưởng khoa tâm thần người cao tuổi) và ông Nguyễn Tuấn Sơn (kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng) vì đã làm hồ sơ bệnh án giả nhằm giúp một đối tượng phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Bị cáo Thân Thái Phong bị tuyên 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ" sau khi làm giả hồ sơ bệnh án cho 1 đối tượng phạm tội thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm diễn ra hồi tháng 8/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định tuyên phạt Thân Thái Phong 8 năm tù về tội "Nhận hối lộ"; Nguyễn Tuấn Sơn 24 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ".
Thoát án tử hình nhờ bị tâm thần
Liên quan đến giấy chứng nhận tâm thần, đã có nhiều vụ án hình sự mà bị cáo được hưởng mức án chung thân thay vì tử hình như khung hình phạt được áp dụng trong Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, hồi tháng 5/2016, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nathan Andrew James (34 tuổi, quốc tịch Úc) mức án chung thân về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy". Theo cáo trạng, số lượng ma túy được phát hiện trong vali hành lý do James mang vào Việt Nam có tổng cộng 3,5 kg heroin.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, James có biểu hiện không bình thường nên cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định tâm thần đối với James. Kết quả cho thấy James bị hạn chế năng lực nhận thức hành vi.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án và lời khai bị cáo tại phiên tòa, HĐXX quyết định tuyên phạt Nathan Andrew James mức án chung thân, thay vì án tử.
Đối tượng Lê Văn Phúc thoát án tử hình dù đã có hành vi giết người man rợ vì bản thân bị "hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi".
Cũng trong năm 2016, một vụ án giết người dã man khiến dư luận phẫn nộ xảy ra tại Quảng Nam do đối tượng Lê Văn Phúc (tức Dít Em; 25 tuổi, trú Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) gây ra. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã tuyên y án chung thân đối với bị cáo này.
Theo hồ sơ vụ án, do bực tức về việc từng bị người nhà chị Nguyễn Thị T. (20 tuổi, trú Bình Quý, Thăng Bình) đánh, Phúc nảy sinh ý định chặn đường hại chị T.. Đêm 10/9/2014, Phúc chặn xe chị T., rồi dùng rựa tấn công.
Khi thấy nạn nhân bất tỉnh, Phúc đã kéo chị T. qua khỏi đường kênh, đặt nằm ngửa trên bờ ruộng rồi tiếp tục thực hiện hành vi sàm sỡ (không đủ cơ sở buộc tội hiếp dâm). Khi nạn nhân cử động trở lại, Phúc tiếp tục tấn công bằng rựa...
Sau đó, Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Đà Nẵng đã lập biên bản kết luận rằng: Trước, trong, sau khi gây án và hiện tại (thời điểm điều tra), Phúc "bị hạn chế năng lực nhận thức và điều khiển hành vi (đối tượng còn trách nhiệm hình sự nhưng bị hạn chế một phần)".
Trong bản luận tội, HĐXX khẳng định với hành vi đặc biệt nghiêm trọng, lẽ ra phải dùng khung hình phạt cao nhất là loại bỏ Phúc khỏi xã hội, nhưng quyết định "cách ly không thời hạn" đối với bị cáo này với mức án tù chung thân.
Luật sư cho rằng, bệnh án tâm thần đã đem đến cho các đối tượng phạm tội những "cánh cửa" đầy hứa hẹn (Ảnh minh họa).
Bệnh án tâm thần có là "kim bài miễn tử"?
Theo luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng VP Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ… để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
Hoạt động này được thực hiện theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật Thi hành án hình sự...
Luật sư Tiền cho rằng, bệnh án tâm thần đã đem đến cho các đối tượng phạm tội 2 "cánh cửa" đầy hứa hẹn. Thứ nhất, đối tượng phạm tội có thể thoát án tử hình nếu được xác định bị bệnh tâm thần, hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
"Đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt khi đưa ra xét xử được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015. Đối với các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến tử hình, nếu có căn cứ xác định người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi, thì thường được tòa án không áp dụng hình phạt tử hình" - ông Tiền cho hay.
Hai là người phạm tội được rút ngắn hoặc thậm chí có thể không phải chấp hành hình phạt tù. Bởi lẽ, khi kẻ phạm tội bị bệnh tâm thần, ở giai đoạn điều tra, vụ án có thể được tạm đình chỉ để bị can áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
"Nếu thấy bệnh tâm thần của bị can ổn định thì cơ quan điều tra mới tiếp tục phục hồi điều tra, xử lý vụ án theo thủ tục tố tụng chung. Khi đó, thời gian chữa bệnh của bị can sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án phạt tù sau này khi tòa tuyên án (ở giai đoạn xét xử là bị cáo) được quy định tại Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015" - ông Tiền lập luận.
Nguyễn Trường/dantri.com.vn